Đảo Cồn Cỏ sẽ trở thành đặc khu
Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị cho biết đã gửi đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã để lấy ý kiến Nhân dân. Trước hợp nhất, tỉnh Quảng Trị có 10 đơn vị hành chính cấp huyện (7 huyện, 1 huyện đảo Cồn Cỏ, 1 thành phố và 1 thị xã), 119 đơn vị cấp cơ sở, bao gồm 13 phường, 11 thị trấn, 95 xã.
Theo kế hoạch, tỉnh Quảng Trị lấy ý kiến người dân được các địa phương thực hiện từ nay đến ngày 20/4. Sau đó, Sở Nội vụ tổng hợp ý kiến Nhân dân, báo cáo lên cấp trên trong ngày 22/4. Tỉnh hoàn thành trình Chính phủ hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trước ngày 1/5.
Dự kiến sau sắp xếp, Quảng Trị có 37 đơn vị hành chính cấp xã gồm: 3 phường, 33 xã và 1 đặc khu là đảo Cồn Cỏ.

Cồn Cỏ còn có tên gọi khác là Hòn Cỏ, Thảo phù, Con Hổ, hay Hòn Mệ (theo cách gọi của ngư dân Vĩnh Linh – tỉnh Quảng Trị). Ảnh: Tổng cục Du lịch
Với diện tích chỉ khoảng 2,3km² và cách đất liền chừng 18 hải lý, Cồn Cỏ hiện là huyện đảo nhỏ nhất Việt Nam. Nhỏ về diện tích, nhưng vị thế của đảo lại vô cùng lớn. Nằm án ngữ tại cửa ngõ phía Nam Vịnh Bắc Bộ, đảo Cồn Cỏ không chỉ có vai trò đặc biệt trong bảo vệ chủ quyền biển đảo, mà còn là mắt xích chiến lược trong phát triển kinh tế biển khu vực miền Trung.
Huyện đảo Cồn Cỏ được thành lập từ năm 2004, dân số dao động từ 400-500 người. Nơi đây được biết tới là huyện đảo có diện tích nhỏ nhất Việt Nam. Đảo Cồn Cỏ cũng chính là điểm A11 làm căn cứ để xác định đường cơ sở và hoạch định biên giới quốc gia trên biển.
Mặc dù diện tích đảo nhỏ, nhưng các đặc điểm về hình thể và cấu trúc không gian, cấu tạo địa chất; diện tích, độ cao và cảnh quan sinh thái; động lực và tính ổn định… đã tạo ra giá trị lớn cho đảo về tài nguyên địa – tự nhiên và môi trường sinh cư thuận lợi cho các loài sinh vật và con người.
Đảo nhỏ nhưng tiềm năng lớn
Nằm án ngữ nơi tuyến đầu của tổ quốc trên vùng biển miền Trung, đảo Cồn Cỏ từ lâu đã được xem là pháo đài vững chãi trong công cuộc gìn giữ chủ quyền và an ninh biển đảo. Trải qua những năm tháng chiến tranh gian khổ, hòn đảo nhỏ bé ấy đã trở thành biểu tượng bất khuất của tinh thần yêu nước, nơi ghi dấu không ít chiến công lẫy lừng của quân dân Quảng Trị cũng như cả nước.
Nếu trở thành đặc khu, đảo Cồn Cỏ sẽ tiếp tục phát huy giá trị chiến lược của mình bằng cách gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với nhiệm vụ quốc phòng. Vị thế “phên dậu” nơi tiền tiêu của Tổ quốc sẽ ngày càng được khẳng định mạnh mẽ hơn trong giai đoạn mới.
Không chỉ nổi bật về giá trị lịch sử, Cồn Cỏ còn sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên nguyên sơ đầy quyến rũ. Với hơn 70% diện tích được bao phủ bởi rừng nguyên sinh, hệ sinh thái rừng nhiệt đới đặc trưng được bảo tồn nguyên vẹn, nơi đây được ví như "viên ngọc xanh" quý giá giữa biển khơi Quảng Trị.

Đứng trên cao nhìn xuống đảo như một con rùa khổng lồ hướng đầu về phía Tây Nam. Ảnh: Miền Trung Tourism
Du khách đặt chân đến Cồn Cỏ không chỉ được hòa mình vào làn gió biển trong lành, khám phá hệ động thực vật phong phú, mà còn có cơ hội tìm hiểu chiều sâu văn hóa và lịch sử thông qua các điểm đến như Nhà truyền thống, Đài tưởng niệm chiến sĩ hy sinh vì biển đảo, cột cờ Tổ quốc sừng sững giữa trời xanh, hay ngọn hải đăng cao hơn 78 mét dẫn lối tàu thuyền qua đêm tối.
Năm 2024 đánh dấu bước tiến lớn của ngành du lịch địa phương khi lượng khách đến đảo vượt mốc 10.000 lượt, tăng trưởng so với năm trước. Những đặc sản địa phương như cá khô, nước mắm truyền thống, cua đá hay trà giảo cổ lam không chỉ mang hương vị riêng của biển cả mà còn là nhịp cầu quảng bá thương hiệu Cồn Cỏ đến với du khách gần xa.
Với vị trí gần bờ, giao thông đường biển thuận tiện, tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản, dịch vụ nghề cá, và đặc biệt là du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng, Cồn Cỏ đang dần khẳng định mình là điểm đến mới mẻ, đầy tiềm năng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Hòn đảo nhỏ nhưng tinh anh, vừa lưu giữ những giá trị lịch sử sâu sắc, vừa mở ra một tương lai phát triển năng động và bền vững giữa lòng biển khơi.