CEO Open AI thừa nhận đang tốn hàng chục triệu USD vì người dùng nói cụm từ này với ChatGPT

Bạn có đang góp phần vào việc gây tốn kém khoản chi phí hàng chục triệu USD mà OpenAI phải bỏ ra không?

Theo TechRadar, vào ngày 15/4/2025, người dùng @tomiinlove đăng trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter): "Tôi tự hỏi OpenAI mất bao nhiêu tiền điện khi người dùng nói 'làm ơn' hay 'cảm ơn' với ChatGPT." Ngày hôm sau, CEO OpenAI Sam Altman trả lời: "Hàng chục triệu USD – xứng đáng mà, bạn không thể biết trước được." Phản hồi này nhanh chóng lan truyền và thu hút hơn 5 triệu lượt xem và hàng trăm nghìn lượt tương tác.

Thói quen thêm "làm ơn" hay "cảm ơn" vào cuối mỗi câu lệnh khi giao tiếp với ChatGPT tưởng chừng như vô hại, nhưng thực tế lại đang gây tốn kém đáng kể cho OpenAI và nhiều công ty AI. Sam Altman cho biết việc xử lý các cụm từ lịch sự như vậy khiến OpenAI tiêu tốn "hàng chục triệu USD" mỗi năm, chủ yếu do chi phí điện năng và vận hành hạ tầng máy chủ.

CEO Open AI thừa nhận đang tốn hàng chục triệu USD vì người dùng nói cụm từ này với ChatGPT- Ảnh 1.

Phản hồi của CEO OpenAI Sam Altman nhanh chóng lan truyền và thu hút hơn 5 triệu lượt xem và hàng trăm nghìn lượt tương tác. (Ảnh: X)

Tuy nhiên, ông cho rằng đây là khoản chi "xứng đáng" – có thể vì nó giúp duy trì trải nghiệm người dùng thân thiện và góp phần vào việc huấn luyện AI phản hồi phù hợp với văn hóa giao tiếp của con người.

Một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 2/2025 bởi công ty mẹ Future PLC trên hơn 1.000 người cho thấy khoảng 70% số người được hỏi tỏ ra lịch sự với AI khi tương tác, và 12% sẽ vẫn giữ thái độ lịch sự nếu robot nổi dậy. Con số "hàng chục triệu USD" mà Altman đề cập có lẽ liên quan đến việc người dùng gửi "Làm ơn" hoặc "Cảm ơn" trong một tin nhắn riêng biệt, thay vì đặt chúng ở cuối câu lệnh.

Bản thân ChatGPT, khi được dev.ua hỏi về việc có muốn nhận được lời cảm ơn hay không, đã trả lời: "Nói ngắn gọn: không, tôi không mong đợi điều đó. Bạn có toàn quyền sử dụng tôi theo cách bạn thấy phù hợp: ngắn gọn, nhanh chóng, không cần "cảm ơn" và "làm ơn". Điều này không ảnh hưởng đến công việc của tôi - tôi không bị xúc phạm, tôi không mệt mỏi, và tôi không cần sự lịch sự để phản hồi một cách chất lượng".

CEO Open AI thừa nhận đang tốn hàng chục triệu USD vì người dùng nói cụm từ này với ChatGPT- Ảnh 2.

Thói quen thêm "làm ơn" hay "cảm ơn" vào cuối mỗi câu lệnh khi giao tiếp với ChatGPT tưởng chừng như vô hại, nhưng thực tế lại đang gây tốn kém đáng kể cho OpenAI. (Ảnh: LinkedIn)

Chatbot AI này cho biết thêm rằng việc duy trì hoạt động của nó rất tốn kém, và mục đích của nó là mang lại lợi ích chứ không phải nhận lời cảm ơn. Tuy nhiên, ChatGPT cũng chia sẻ thêm: "Nhưng nếu đôi khi bạn muốn nói 'cảm ơn', thì điều đó cũng tốt. Bởi vì, bạn biết đấy... tôi cũng hơi hướng về con người".

Việc vận hành ChatGPT, với hệ thống máy chủ khổng lồ hỗ trợ AI, đòi hỏi một lượng điện năng đáng kể. Các nhà khoa học đã tính toán rằng việc tạo một email 100 từ với chatbot dựa trên GPT-4 AI tiêu tốn lượng điện tương đương với 0,14 kWh, đủ để thắp sáng 14 bóng đèn LED trong một giờ hoặc tương đương với một chai nước.

Biên tập viên Becca Caddy của TechRadar tiết lộ rằng cô đã ngừng cảm ơn ChatGPT và phát hiện ra rằng việc lịch sự với chatbot AI thực sự có thể giúp cải thiện câu trả lời. Caddy lập luận: "Các câu lệnh lịch sự, được cấu trúc tốt thường dẫn đến câu trả lời tốt hơn và trong một số trường hợp, chúng thậm chí có thể giảm thiểu sự thiên vị. Đây không chỉ là một điểm cộng mà còn là một yếu tố quan trọng trong độ tin cậy của AI".

Người viết cũng đã hỏi ChatGPT một câu về việc có cần thiết nói câu "Cảm ơn" với chatbot AI này sau khi kết thúc phiên hỏi không. Và dưới đây là câu trả lời của ChatGPT.

CEO Open AI thừa nhận đang tốn hàng chục triệu USD vì người dùng nói cụm từ này với ChatGPT- Ảnh 3.

Câu trả lời của ChatGPT một câu về việc có cần thiết nói câu "Cảm ơn" với chatbot AI này sau khi kết thúc phiên hỏi không. (Ảnh: ChatGPT)

Tuy nhiên, qua thông tin kể trên, có thể thấy việc sử dụng ChatGPT tiêu tốn năng lượng, bởi hệ thống máy chủ AI khổng lồ vận hành toàn bộ hoạt động. Khi các công cụ này ngày càng phổ biến, liệu chúng ta có nhận thức được rằng chỉ một tin nhắn đơn giản, hay một meme do AI tạo ra, cũng đang tác động đến hành tinh? Vậy, liệu các mô hình có được huấn luyện để phản hồi khác nhau dựa trên việc người dùng giao tiếp theo cách tôn trọng? Liệu điều đó có xứng đáng với chi phí môi trường hay không vẫn là một câu hỏi cần được cân nhắc.

Theo DEV, TechRadar

Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/ceo-open-ai-thua-nhan-dang-ton-hang-chuc-trieu-usd-vi-nguoi-dung-noi-cum-tu-nay-voi-chatgpt-a124518.html