Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), tính đến hết quý I năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu gần 47.000 tấn hồ tiêu, gồm cả tiêu đen và trắng. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 330 triệu USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù sản lượng xuất khẩu giảm nhưng giá xuất khẩu bình quân tiếp tục tăng cao. Cụ thể tiêu đen có giá là 6.711 USD/tấn, tăng gần 95%, tiêu trắng 8.617 USD/tấn tăng gần 74%..
VPSA cho biết thị trường, Hoa Kỳ vẫn giữ vị trí lớn nhất trong số các quốc gia nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam, chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là nhà cung cấp hồ tiêu hàng đầu cho Hoa Kỳ, đóng góp tới 77% tổng lượng hồ tiêu mà nước này nhập khẩu. Theo VPSA, mối quan hệ thương mại này đang chịu tác động mạnh từ chính sách thuế mới của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, ngành hồ tiêu vẫn có thể duy trì một tỷ lệ nhất định tại thị trường này. Nhưng để giữ vững thị phần tại Mỹ như hiện nay là điều không dễ dàng nếu Mỹ áp mức thuế 46%. Trước sức ép đó, về dài hạn VPSA buộc phải tái cấu trúc hệ sinh thái xuất khẩu, phân bổ lại thị trường một cách linh hoạt hơn như hướng tới các thị trường EU, Trung Quốc, Ấn Độ, đồng thời tìm kiếm cơ hội tại những khu vực tiềm năng mới.

Giá hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng
Với sự biến động trong chính sách thuế quan của Mỹ, nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, chờ đợi kết quả đàm phán, đồng thời tính đến khả năng mở rộng sang các thị trường khác.
Bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam – nhận định, nếu kết quả đàm phán không khả quan, doanh nghiệp Việt có nguy cơ mất thị phần tại Mỹ vào tay Indonesia, Brazil.
Do đó, doanh nghiệp cần chủ động tìm thị trường thay thế, đảm bảo chất lượng để cạnh tranh ở các khu vực khác, đặc biệt là EU.
"Chúng ta đang cân đối thị trường Mỹ, EU và châu Á mỗi thị trường từ 25% đến 27% và một phần còn lại ở Châu Phi và Trung Đông… nhưng nếu không còn thị trường Mỹ tôi nghĩ không mất hẳn, sẽ còn một phần thị trường nhỏ cho doanh nghiệp Việt Nam. Khi mức thuế không còn cạnh tranh thì bắt buộc phải điều chuyển qua cho những thị trường khác. Chúng ta cần có kế hoạch để tập trung cho thị trường EU, Châu Á trong đó có 2 quốc gia Trung Quốc và Ấn Độ…", bà Liên nói.
Hiện thị trường EU cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực, với tổng lượng nhập khẩu hồ tiêu năm 2024 đạt 120.657 tấn, tăng 20% so với 2023. Thị phần xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam vào đây cũng tăng đều, đạt 52,1% trong năm 2024. Tuy nhiên, đây là thị trường yêu cầu cao về chất lượng, truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn kỹ thuật, nhất là ở phân khúc cao cấp như tiêu trắng và tiêu hữu cơ.