Chiều 12/4, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng 11 khoá XIII thống nhất cao các chủ trương về tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp; số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 06 thành phố trực thuộc Trung ương); cả nước giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay.
Theo Nghị quyết 60 của Trung ương ban hành ngày 12/4, phương án sáp nhập còn 34 tỉnh, thành phố được Trung ương thông qua gồm 11 tỉnh, thành không thực hiện sáp nhập gồm: Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Cao Bằng và 23 tỉnh, thành được hợp nhất từ 52 tỉnh, thành.
52 tỉnh, thành sáp nhập, hợp nhất còn 23 tỉnh, thành gồm: Tỉnh Tuyên Quang; Tỉnh Lào Cai; Tỉnh Thái Nguyên; Tỉnh Phú Thọ; Tỉnh Bắc Ninh; Tỉnh Hưng Yên; Thành phố Hải Phòng; Tỉnh Ninh Bình; Tỉnh Quảng Trị; Thành phố Đà Nẵng; Tỉnh Quảng Ngãi; Tỉnh Gia Lai; Tỉnh Khánh Hòa; Tỉnh Lâm Đồng; Tỉnh Đắk Lắk; Thành phố Hồ Chí Minh; Tỉnh Đồng Nai; Tỉnh Tây Ninh; Thành phố Cần Thơ; Tỉnh Vĩnh Long; Tỉnh Đồng Tháp; Tỉnh Cà Mau; Tỉnh An Giang.
Danh sách các tỉnh, thành phố và trung tâm chính trị, hành chính sau sáp nhập cụ thể như sau:


Những mốc chỉ đạo liên quan đến việc sắp xếp bộ máy hành chính, bỏ cấp tỉnh, thành

Ảnh minh họa: Chinhphu.vn
Liên quan đến chủ trương tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, bỏ cấp huyện Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ trong 2 tháng qua đã có hàng loạt cuộc họp và nhiều chỉ đạo liên tiếp, cụ thể ngày 14/2/2025, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú đã ký Kết luận số 126-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025.
Trong kết luận, Đảng ủy Chính phủ được giao chủ trì nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện); xây dựng phương án tiếp tục sắp xếp cấp xã phù hợp với mô hình tổ chức mới, đề xuất tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cấp xã.
Kết luận cũng nêu định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, đề xuất chủ trương sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, quy định của Đảng có liên quan.
Đến ngày 28/2, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Kết luận 127-KL/TW giao Đảng ủy Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng đề án sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã.
Tiếp đó là kết luận 128-KL/TW yêu cầu tạm dừng tuyển dụng, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo quản lý kể từ ngày 7/3 đến khi hoàn thành thực hiện đề án không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện và sáp nhập, hợp nhất một số tỉnh, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã; sắp xếp, tinh gọn các cơ quan Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội, hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
Tại buổi họp ngày 11/3, Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ đã thống nhất dự kiến trình cấp có thẩm quyền phương án sau khi sắp xếp sẽ giảm khoảng 50% số đơn vị hành chính cấp tỉnh và giảm khoảng 60 - 70% đơn vị hành chính cấp cơ sở so với hiện nay.
Trên cơ sở phân tích các nguyên tắc, tiêu chí, nhất là về dự kiến sắp xếp, tên gọi và trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính cấp tỉnh, Thủ tướng yêu cầu việc sắp xếp đơn vị hành chính ngoài tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, xem xét các tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, điều kiện địa lý, trình độ phát triển kinh tế-xã hội, hạ tầng...
Đặc biệt, việc đặt tên đơn vị hành chính cấp tỉnh phải có tính kế thừa; việc chọn trung tâm hành chính - chính trị phải cân nhắc các yếu tố lịch sử, địa lý, kết nối hạ tầng, không gian phát triển, quốc phòng, an ninh và hội nhập.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại buổi họp chiều 13/3 - Ảnh: VGP/Đình Hải
Đến chiều ngày 13/3, Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đã họp Phiên họp lần thứ nhất.
Tại buổi họp, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, hiện nay cấp xã có 10.035 đơn vị, dự kiến sẽ tổ chức lại chỉ còn khoảng 2.000 - "gần như là một huyện nhỏ". Việc này thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có thể làm ngay sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương.
Sau khi Hiến pháp sửa đổi và sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương cùng các luật có liên quan, Bộ trưởng cho biết sẽ kết thúc hoạt động của chính quyền địa phương cấp huyện.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình thông tin, trong đề án Chính phủ trình Bộ Chính trị, khi bỏ cấp huyện, 1/3 nhiệm vụ của cấp huyện chuyển lên tỉnh, 2/3 chuyển xuống xã (cơ sở).
Ngày 29/3, đại diện Bộ Nội vụ cho biết định hướng sắp xếp, sáp nhập tổng số 10.035 đơn vị hành chính cấp xã hiện nay còn khoảng 5.000 đơn vị. So với dự thảo ban đầu, tiêu chí sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã có một số điều chỉnh để phù hợp với chỉ đạo cấp trên và tình hình thực tế.
Ngày 7/4/2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 74/NQ-CP về Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp (Kế hoạch).
Gần đây nhất, ngày 10/4, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương. Trong đó, Chính phủ chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, đẩy mạnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính.