Mỹ áp thuế 46% với Việt Nam là lời "cảnh tỉnh" về mô hình sản xuất chi phí thấp, nhưng doanh nghiệp nào làm được điều này sẽ có cơ hội chiếm lĩnh thị trường

Sự kiện này mang đến những thử thách, nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh chiến lược.

Mỹ áp thuế 46% với Việt Nam là lời "cảnh tỉnh" về mô hình sản xuất chi phí thấp, nhưng doanh nghiệp nào làm được điều này sẽ có cơ hội chiếm lĩnh thị trường- Ảnh 1.

Ngày 2 tháng 4 năm 2025, Chính phủ Hoa Kỳ chính thức áp dụng “Chế độ Thuế quan Hai tầng”, trong đó Việt Nam xếp vào nhóm Bậc 2 – phải chịu thuế bổ sung 46% đối với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, bên cạnh mức 10% chung cho mọi nước. Đây là phản ứng trước thặng dư thương mại lớn của Việt Nam với Mỹ – lên đến 123,5 tỷ USD năm 2024.

Theo TS. Ngô Công Trường, Chủ tịch CTCP Tư Vấn và Giáo Dục John&Partners. Chuyên gia Hoạt động Xuất sắc – Operational Excellence Master Black Belt – Top 40 Chuyên gia ASQ - đang sinh sống và làm việc tại Hoa Kỳ, sự kiện này là một lời cảnh tỉnh, rằng mô hình tăng trưởng dựa vào chi phí thấp đã “chạm trần”. Hiện nay, tỷ trọng xuất khẩu chiếm tới 93% GDP là con dao hai lưỡi – khi thị trường có biến động lớn. Sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất cũng là rủi ro chiến lược: theo VCCI, 32% doanh nghiệp xuất khẩu phụ thuộc hơn 50% doanh thu từ Mỹ, cho thấy sự thiếu đa dạng hóa thị trường. Hơn nữa, với 68% doanh nghiệp SME có biên lợi nhuận dưới 10% (VEPR 2024), mức thuế 46% gần như xóa sạch lãi ròng, đẩy họ vào khó khăn.

Giải pháp: Tư duy lại – Tái cấu trúc – Tăng cường năng lực

Thay vì phản ứng bị động, theo TS. Ngô Công Trường, các doanh nghiệp Việt cần bước vào giai đoạn: “Tái cấu trúc để sinh tồn – Tăng năng lực để bứt phá”. Các giải pháp cụ thể bao gồm:

Xem lại chuỗi cung ứng – hướng đến khả năng phục hồi: Tận dụng các hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP để giảm phụ thuộc vào Mỹ. Xuất khẩu sang EU năm 2024 tăng 15,1% nhờ EVFTA – đây là cơ hội thực sự nếu doanh nghiệp đáp ứng được chuẩn hóa và ESG.

Đầu tư vào con người và tự động hóa: Ứng dụng tự động hóa, đào tạo nhân sự, xây dựng môi trường làm việc hiệu quả cao và nâng cao năng suất lao động.

Chuyển đổi số – nền tảng để tăng tốc: Triển khai ERP, CRM, AI, sử dụng dashboard, dự báo thông minh, kiểm soát hàng tồn kho và tuân thủ các quy định như UFLPA.

Xây dựng lại niềm tin với người mua – không chỉ cạnh tranh bằng giá: Các thương hiệu toàn cầu hiện yêu cầu tuân thủ ISO 9001, 14001, SA8000, minh bạch ESG, chính sách nhân quyền và khả năng truy xuất chuỗi cung ứng theo thời gian thực. Theo EuroCham, 63% người mua EU và Nhật ưu tiên nhà cung cấp minh bạch, đáng tin cậy hơn là giá rẻ.

Mặt khác, để nâng cao khả năng thích ứng và duy trì lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp Việt có thể áp dụng khung PESTER (Khung chiến lược đối phó gián đoạn toàn cầu)

P – Chính trị (Political) : Rà soát chuỗi cung ứng và thị trường xuất khẩu chịu ảnh hưởng từ chính sách thương mại bất ổn, xây dựng kịch bản đối phó dựa trên FTA, ưu đãi thuế và tình huống xấu nhất, đồng thời thành lập bộ phận pháp lý quốc tế để theo dõi các động thái chính trị.

E – Kinh tế (Economic) : Tái cấu trúc chi phí và dòng tiền, ứng phó lạm phát và tỷ giá bằng công cụ tài chính phái sinh, tối ưu hóa logistics nội địa và áp dụng mô hình giá linh hoạt theo thời gian thực.

S – Xã hội (Social) : Tái định vị thương hiệu theo chuẩn ESG, đào tạo nhân sự về CSR và chuỗi cung ứng minh bạch, công bố chính sách nhân quyền và môi trường để vượt qua rào cản phi thuế.

T – Công nghệ (Technological) : Đầu tư ERP hiện đại, tích hợp AI/ML để tối ưu quản trị, phân tích thị trường và số hóa toàn bộ chuỗi giá trị.

E – Môi trường (Environmental) : Đáp ứng quy định CBAM, ISO 14001, đo lường “dấu chân carbon” minh bạch và triển khai sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn.

R – Quy định (Regulatory) : Thiết lập quy trình tuân thủ tiêu chuẩn nhập khẩu, đào tạo nhân sự về luật quốc tế và sử dụng công nghệ kiểm soát tuân thủ để tránh rủi ro pháp lý.

TS. Ngô Công Trường nhấn mạnh: Doanh nghiệp cần tích hợp tư duy Operational Excellence (OPEX), ESG và chuyển đổi số để không chỉ sống sót mà còn vượt lên. Giá rẻ là nền tảng, nhưng giao hàng đúng hẹn, truy xuất nguồn gốc, độ tin cậy và ESG mới là tiêu chuẩn ngày nay. OPEX giúp doanh nghiệp đạt được tất cả mà không hy sinh tài chính.

“Nếu không phải khủng hoảng này, thì sẽ là khủng hoảng khác. Nếu không chuyển đổi hôm nay, thì sẽ trả giá ngày mai,” TS. Ngô Công Trường cảnh báo. Những doanh nghiệp dám tái cấu trúc, tư duy lại mô hình kinh doanh và kiên định cải tiến bằng OPEX sẽ không chỉ sống sót mà còn dẫn đầu trong giai đoạn xuất khẩu giá trị cao và sản xuất bền vững.

Đề xuất hướng đi cho chủ doanh nghiệp Việt Nam bị tác động bởi thuế quan Hoa Kỳ, ông Ngô Công Trường đưa ra 5 hành động.

Một là nhìn nhận lại mô hình kinh doanh: Chuyển từ xuất khẩu giá rẻ sang vận hành tinh gọn – thông minh. Đặt câu hỏi: Đơn hàng từ Mỹ chiếm bao nhiêu doanh thu? Nếu mất thị trường này, kế hoạch 3–6 tháng là gì? Làm sao chuyển hướng sang EU, Nhật, ASEAN?

Hai là triển khai OPEX theo cấp độ:

Ngắn hạn (dưới 3 tháng): Lập bản đồ dòng giá trị, thực hiện Kaizen, đo lường 5 KPI cốt lõi (tỷ lệ lỗi, giao hàng đúng hạn, chu kỳ sản xuất, lãng phí, tận dụng nguyên liệu). Trung hạn (3–12 tháng): Đào tạo Lean, 5S, áp dụng ERP, xây dựng SOPs và truy xuất nguồn gốc. Dài hạn (trên 12 tháng): Chuyển từ OEM sang ODM/OBM, đăng ký chứng nhận quốc tế, mở rộng thị trường FTA.

Ba là tái cấu trúc đội ngũ: Đào tạo đa nhiệm, tổ chức họp đầu ca, áp dụng Gemba Walk để lãnh đạo đối thoại thực tế.

Bốn là tận dụng hỗ trợ: Tham gia chương trình OPEX, xây dựng lộ trình chuyển đổi phù hợp.

Năm là định hướng dài hạn: Trở thành đối tác toàn cầu đáng tin cậy, từ nhà cung ứng giá rẻ sang sản xuất thông minh, bền vững.

“Đừng chỉ đối phó thuế bằng cách giảm giá – hãy nâng năng lực để tự mình đàm phán lại vị thế.”– Tiến sĩ Ngô Công Trường nhấn mạnh – “Sự kiện này không phải là dấu chấm hết mà là tín hiệu để thay đổi. Những doanh nghiệp hành động sớm – tinh gọn hóa – số hóa – cải tiến liên tục – sẽ không chỉ vượt qua khó khăn mà còn chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu trong chuỗi giá trị toàn cầu”.

Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/my-ap-thue-46-voi-viet-nam-la-loi-canh-tinh-ve-mo-hinh-san-xuat-chi-phi-thap-nhung-doanh-nghiep-nao-lam-duoc-dieu-nay-se-co-co-hoi-chiem-linh-thi-truong-a122028.html