Nghiên cứu sáp nhập tỉnh, thành: Tiêu chuẩn đơn vị hành chính cấp tỉnh, TP được quy định như thế nào?

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, có thể thực hiện sáp nhập để còn 38 tỉnh, thành như trước đây.

Tiêu chuẩn đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố được quy định như thế nào?

Bộ Chính trị, Ban Bí thư vừa ban hành Kết luận số 126 về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025.

Trong đó, có nội dung đáng chú ý là yêu cầu nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện); định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh;…

Nghiên cứu sáp nhập tỉnh, thành: Tiêu chuẩn đơn vị hành chính cấp tỉnh, TP được quy định như thế nào?- Ảnh 1.

Năm 1997, tỉnh Vĩnh Phú tách thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ sau gần 29 năm hợp nhất. Trong ảnh là đô thị Vĩnh Phúc ngày nay (Ảnh: vinhphuc.dcs.vn).

Hiện nay, sau nhiều lần thực hiện sáp nhập, chia tách, cả nước có 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 57 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc trung ương bao gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Huế.

Về tiêu chuẩn đơn vị hành chính, vào năm 2016, Ủy ban Thường Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1211, sau đó được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết số 27 năm 2022 quy định: tỉnh miền núi, vùng cao có tiêu chuẩn dân số từ 900.000 người và diện tích từ 8.000 km2 trở lên; các tỉnh còn lại dân số từ 1.400.000 người và diện tích từ 5.000 km2 trở lên.

Nghị quyết số 1211 cũng quy định, cấp tỉnh phải có số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc từ 9 đơn vị trở lên, trong đó có ít nhất là 1 thành phố hoặc 1 thị xã.

Đến năm 2022, tại Nghị quyết số 27 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền đã đặt ra yêu cầu "nghiên cứu thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể các đơn vị hành chính của quốc gia và từng địa phương".

Liên quan đến các yếu tố để sáp nhập các tỉnh, thành phố, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, để xác định nhập tỉnh nào với tỉnh nào thì phải có tiêu chí. Trong đó có tiêu chí về quy mô dân số và diện tích nhưng cũng có những yếu tố đặc thù về văn hóa, lịch sử, từ địa lý đến tập quán, con người...Ví dụ như một tỉnh mà có hơn 300.000 dân như Bắc Kạn thì quá bé".

Tuy nhiên, theo ông Dĩnh, việc đầu tiên là phải dựa vào quy mô dân số và diện tích tự nhiên và xem xét đến 5 yếu tố khác theo Nghị quyết 35/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030.

"Tôi nghĩ trở về con số như cũ, 35 đến 38 tỉnh, thành là phù hợp"

Nhìn nhận việc nghiên cứu sáp nhập cấp tỉnh, TP là tất yếu, nguyên Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh cũng cho rằng, "Tôi nghĩ trở về con số như cũ, 35 đến 38 tỉnh, thành là phù hợp. Tất nhiên, không nhất thiết tỉnh nào về lại tỉnh đó như trước mà sắp xếp phù hợp với đặc điểm của các tỉnh".

Nghiên cứu sáp nhập tỉnh, thành: Tiêu chuẩn đơn vị hành chính cấp tỉnh, TP được quy định như thế nào?- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (Ảnh: VOV).

Trên thực tế, sau năm 1976, cả nước chỉ có 38 tỉnh, thành phố nhưng sau đó tách ra thành nhiều tỉnh, thành hơn vì điều kiện đi lại khó khăn, công nghệ, cơ sở hạ tầng chưa phát triển như hiện nay.

Thời điểm đó tách ra là đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Ông dẫn chứng như tỉnh Vĩnh Phú trước đây tách thì Vĩnh Phúc phát triển trước, giờ Phú Thọ cũng phát triển. Hay như Bắc Giang, Bắc Ninh trước đây là Hà Bắc, khi tách ra Bắc Ninh rất phát triển, những năm gần đây thì Bắc Giang phát triển rất mạnh.

Hay như Hải Hưng ngày xưa tách ra thành Hải Dương và Hưng Yên thì Hải Dương phát triển trước, Hưng Yên gần đây cũng rất phát triển. Hay sâu nữa là Quảng Nam - Đà Nẵng tách ra cũng phát triển. Phú Khánh tách thành Khánh Hòa, Phú Yên… đều phát triển.

Trao đổi với báo chí về những khó khăn, trở ngại nếu tiến hành sáp nhập tỉnh, GS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, việc sáp nhập tỉnh Hiến pháp không quy định cứng “Việt Nam có 63 tỉnh, thành phố” nên việc sáp nhập không có vướng mắc.

“Sáp nhập một số tỉnh, thành có diện tích và dân số nhỏ cũng là phù hợp, giúp liên kết tốt hơn, khai mở thêm các động lực mới cho sự phát triển. Chia tách đơn vị hành chính cấp tỉnh mà nhỏ quá, có khi lại cạnh tranh, triệt tiêu đi sự phát triển”, ông Đường nói.

Nghiên cứu sáp nhập tỉnh, thành: Tiêu chuẩn đơn vị hành chính cấp tỉnh, TP được quy định như thế nào?- Ảnh 3.

GS Trần Ngọc Đường (Ảnh: Tiền phong).

Theo ông Đường, việc sáp nhập một số tỉnh, thành phố không đáp ứng yêu cầu về tiêu chí, tiêu chuẩn chính là cách để khắc phục những bất cập, từ đó mở ra các động lực, không gian phát triển mới mạnh mẽ hơn cho các địa phương và cả nước.

Hiện nay, các tỉnh có dân số dưới mức quy định tối thiểu cho một đơn vị hành chính cấp tỉnh là 900.000 người bao gồm: Hòa Bình, Lai Châu, Bắc Kạn, Cao Bằng, Kon Tum, Ninh Thuận, Điện Biên, Quảng Trị, Đắk Nông, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Nam, Phú Yên, Hậu Giang, Lào Cai, Yên Bái.

Các tỉnh có diện tích dưới mức quy định tối thiểu cho một đơn vị hành chính cấp tỉnh 5.000km2 bao gồm: Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Đồng Tháp, Hậu Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long.

Các tỉnh không đáp ứng yêu cầu về số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc là từ 9 đơn vị trở lên bao gồm: Lai Châu, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Hà Nam, Thái Bình, Quảng Bình, Ninh Thuận, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Hậu Giang, Vĩnh Long...

Duy Anh

Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/nghien-cuu-sap-nhap-tinh-thanh-tieu-chuan-don-vi-hanh-chinh-cap-tinh-tp-duoc-quy-dinh-nhu-the-nao-a116045.html