Từ 'cơn ác mộng' Deepseek đang đe doạ đến hàng triệu việc làm: Dự báo 15 ngành nghề có thể bị thay thế trong tương lai

AI có thể thay thế hơn 300 triệu việc làm trên toàn thế giới. Nhiều chuyên gia, tổ chức đưa ra dự báo về những ngành nghề biến mất do bị trí tuệ nhân tạo (AI) thay thế trong tương lai.

Theo "Báo cáo Tương lai việc làm 2025" của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, ngày càng nhiều nhà tuyển dụng kỳ vọng rằng việc mở rộng khả năng tiếp cận kỹ thuật số sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ hơn bất kỳ xu hướng vĩ mô nào khác.

Báo cáo cho biết, việc mở rộng quyền truy cập kỹ thuật số dự kiến sẽ tạo ra 19 triệu việc làm mới vào năm 2030, đồng thời thay thế 9 triệu việc làm hiện có. Riêng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tạo ra 11 triệu vị trí việc làm mới nhưng cũng sẽ làm giảm thiểu 9 triệu vị trí công việc khác.

Trong khi đó, robot và tự động hóa được dự báo sẽ "xóa sổ" nhiều hơn 5 triệu việc làm so với số lượng công việc chúng tạo ra. Các doanh nghiệp kỳ vọng những xu hướng này sẽ dẫn đến sự suy giảm mạnh trong một số vai trò, bao gồm các công việc văn phòng như nhân viên thu ngân, nhân viên bán vé, trợ lý hành chính, nhân viên in ấn, cũng như kế toán và kiểm toán viên.

 Theo đó, 15 ngành nghề có xu hướng giảm nhanh nhất

1. Nhân viên bưu chính

2. Nhân viên giao dịch ngân hàng và vị trí tương đương

3. Nhân viên nhập dữ liệu

4. Thủ quỹ và nhân viên bán vé

5. Trợ lý hành chính và thư ký điều hành

6. Nhân viên in ấn và và vị trí tương đương

7. Nhân viên kế toán, ghi sổ và tính lương

8. Nhân viên ghi chép vật liệu và quản lý kho

9. Nhân viên phục vụ và soát vé vận chuyển

10. Nhân viên bán hàng tận nhà, người bán báo và bán hàng rong, và các lĩnh vực liên quan

11. Nhà thiết kế đồ họa

12. Người điều chỉnh khiếu nại, giám định viên và điều tra viên

13. Cán bộ pháp lý

14. Thư ký pháp lý

15. Nhân viên tiếp thị qua điện thoại

Bà Neeti Sharma - Giám đốc điều hành của TeamLease Digital - cho rằng: "Sự phát triển của AI không chỉ tạo ra việc làm mới mà còn là chuyển đổi các vai trò hiện tại. AI không chỉ thay thế các nhiệm vụ lặp đi lặp lại mà còn giúp con người làm việc thông minh hơn và thúc đẩy đổi mới trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục và sản xuất. Sự thay đổi này mở ra những cơ hội mới đầy thú vị nhưng đồng thời cũng đòi hỏi người lao động phải học thêm kỹ năng mới để tận dụng tối đa công nghệ này" .

Báo cáo của WEF cũng nhấn mạnh tiềm năng nâng cao các kỹ năng của con người thông qua "hợp tác giữa con người và máy móc" chứ không phải để máy móc thay thế hoàn toàn con người. Sự xuất hiện của AI tạo ra áp lực cạnh tranh lớn hơn đối với người lao động khi sẽ có khoảng 20 - 30% lực lượng lao động sẽ được trả lương cao hơn nhờ vào khả năng sử dụng AI thành thạo hơn.

 "Cơn ác mộng" DeepSeek khiến 95% nhân viên của một công ty rơi vào cảnh thất nghiệp

Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức, tình trạng thất nghiệp ở thanh niên vẫn là vấn đề đáng quan ngại khi công nghệ AI ngày càng thay thế nhiều vị trí công việc truyền thống.

Theo báo cáo mới nhất từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm 16-24 (không bao gồm sinh viên) đã ghi nhận mức giảm xuống còn 15,7% trong tháng 12, cải thiện đáng kể so với con số 18,8% của tháng 8.

Mặc dù vậy, tình trạng sinh viên mới tốt nghiệp khó khăn trong tìm việc làm vẫn tiếp diễn trong nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại. 

Vào năm 2023, chính phủ Trung Quốc đã phải điều chỉnh phương pháp thống kê tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên, loại trừ đối tượng sinh viên ra khỏi phép tính sau khi các báo cáo liên tiếp cho thấy hơn 20% thanh niên trong độ tuổi này không có việc làm. 

Dự báo, áp lực việc làm sẽ càng trở nên gay gắt hơn với 12,22 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học chuẩn bị gia nhập thị trường lao động trong năm nay khi sự xuất hiện của công ty khởi nghiệp Deepseek với mô hình ngôn ngữ lớn có hiệu suất cao nhưng chi phí thấp, được đánh giá ngang tầm hoặc thậm chí vượt trội hơn ChatGPT của OpenAI ở một số khía cạnh. 

Thành công này không chỉ khẳng định vị thế của Trung Quốc trong cuộc đua AI toàn cầu mà còn báo hiệu xu hướng tự động hoá ngày càng mạnh mẽ trong các doanh nghiệp. Nhiều công ty tại Trung Quốc đã và đang lên kế hoạch tinh giản nhân sự khi ứng dụng AI vào các công việc mang tính lặp lại.

Từ 'cơn ác mộng' Deepseek đang đe doạ đến hàng triệu việc làm: Dự báo 15 ngành nghề có thể bị thay thế trong tương lai- Ảnh 1.

Chicmax Cosmetics, tập đoàn sở hữu các thương hiệu mỹ phẩm Kans và One Leaf của Trung Quốc vừa gây chú ý khi thông tin nội bộ về kế hoạch tái cơ cấu nhân sự bị rò rỉ. Theo đó, một số bộ phận như dịch vụ khách hàng có thể phải cắt giảm tới 95% nhân sự, chỉ giữ lại 5% nhân viên thành thạo công nghệ AI.

Thông tin từ tài khoản WeChat được cho là của ông Lu Yixiong, CEO Chicmax, cho biết việc điều chỉnh này nhằm "nâng cao hiệu quả hoạt động". Theo kế hoạch, công ty sẽ tinh giản 50% nhân sự bộ phận pháp lý và 80% bộ phận đổi mới nội dung, đồng thời tối ưu hóa quy trình làm việc khi "một nhóm sẽ đảm nhận khối lượng công việc tương đương 20 nhóm trước đây". Tuy nhiên, ông Lu sau đó đã lên tiếng phủ nhận thông tin sa thải hàng loạt.

Đáng chú ý, nhà sáng lập Shangmei Co., Ltd. (Quảng Châu, Trung Quốc) Lục Nhất Hùng mới đây đã ra quyết định gây chấn động dư luận. Với lý do tăng hiệu suất và giảm chi phí, Shangmei đã ứng dụng AI DeepSeek trong nhiều bộ phận, đặc biệt là dịch vụ khách hàng và pháp lý.

Theo đó, việc áp dụng AI đã giúp công ty xử lý nhanh chóng hơn, chính xác hơn và tự động hoá một lượng lớn công việc, khiến hàng trăm nhân viên thất nghiệp. 

Tuy quyết định cải tổ chắc chắn giúp Shangmei tăng trưởng lợi nhuận, nhưng nó đã gây ra làn sóng tranh cãi. Nhiều người cho rằng, DeepSeek chỉ là một "cái cớ" cho việc sa thải, bởi trên thực tế, AI vẫn chưa hoàn hảo để thay thế hoàn toàn con người, đặc biệt là trong công việc giao tiếp và xử lý tình huống linh hoạt. 

Mặc dù vậy, vẫn có những ngành nghề mà trí tuệ nhân tạo khó có thể thay thế con người. Đó là những lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo, cảm xúc và phán đoán linh hoạt. 

Chẳng hạn, giáo viên truyền đạt kiến thức và nuôi dưỡng tư duy và đạo đức cho học sinh, một nhiệm vụ mà AI không thể đảm nhận hoàn toàn. Bác sĩ và nhân viên y tế không chỉ chẩn đoán bệnh mà còn phải thấu hiểu tâm lý bệnh nhân, đưa ra quyết định dựa trên nhiều yếu tố phức tạp ngoài dữ liệu y khoa.

Theo: South China Morning Post (SCMP), World Economic Forum


Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/tu-con-ac-mong-deepseek-dang-de-doa-den-hang-trieu-viec-lam-du-bao-15-nganh-nghe-co-the-bi-thay-the-trong-tuong-lai-a116036.html