Loại Trung Quốc để chọn Nhật, một nước bất ngờ đổi ý, quyết trao dự án 13 tỷ USD cho công nghệ Trung Quốc nhưng giờ trễ hẹn 10 năm

Láng giềng Việt Nam quyết đẩy nhanh triển khai tuyến đường sắt cao tốc nối với Trung Quốc.

Năm 2010, Thái lan đã lên kế hoạch xây dựng đường sắt cao tốc đầu tiên. Theo tờ Thailand Trains, vào năm 2017, Thái Lan đã ký thỏa thuận hợp tác với Nhật Bản triển khai 8 dự án phát triển lớn, trong đó đáng chú ý là dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc theo công nghệ Nhật Bản.

Tuy nhiên, đến năm 2018, The Diplomat cho biết, tham vọng ngoại giao của Nhật Bản để cạnh tranh với Trung Quốc trong việc duy trì vị thế ở Thái Lan bị lung lay sau khi thỏa thuận về dự án đường sắt cao tốc hợp tác giữa Nhật Bản và Thái Lan gặp nhiều khó khăn.

Sau đó, Thái Lan đã công bố quá trình xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên. Theo CNN, năm 2022, tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Thái Lan, nối giữa thủ đô Bangkok và thành phố Nong Khai thuộc tỉnh cùng tên ở Đông Bắc nước này đang được triển khai với công nghệ được nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuyến đường này khi hoàn thành sẽ nối với tuyến đường sắt cao tốc Trung Quốc - Lào trong một hệ thống kết nối từ Côn Minh (Trung Quốc) tới Singapore.

Đường sắt cao tốc Thái - Trung là một dự án Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), hợp tác này tạo ra cơ sở hạ tầng vật chất và tăng cường giao thông xuyên giữa 2 quốc gia.

Thái Lan dự kiến sẽ hoàn thành mạng lưới đường sắt cao tốc đầu tiên nối liền với Trung Quốc qua Lào vào năm 2030 nhưng đã bị chậm tiến độ tới gần 10 năm so với kế hoạch ban đầu. Tuyến đường sắt có chiều dài tổng cộng là 609 km với kinh phí xây dựng là 434 tỷ baht (gần 13 tỷ USD), theo Bangkok Post.

Vào 29/1/2025, Thái Lan cho biết tiến độ xây dựng giai đoạn đầu tiên của tuyến đường sắt nối liền Bangkok và tỉnh Nakhon Ratchasima hiện đã hoàn thành khoảng 36%. Bản thiết kế giai đoạn thứ 2 kéo dài tuyến đường sắt đến tỉnh biên giới đông bắc Nong Khai của Thái Lan cũng đã được hoàn thiện và sẵn sàng trình lên Nội các để phê duyệt.

Đến ngày 4/2/2025, nội các Thái Lan chính thức phê duyệt giai đoạn 2 tuyến đường sắt cao tốc Thái Lan - Trung Quốc, từ Nakhon Ratchasima đến Nong Khai với khoản đầu tư khoảng 340 tỷ baht (10 tỷ USD).

Hiện nay, Nhật Bản và Trung Quốc là hai cường quốc hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ đường sắt cao tốc. Nhật Bản nổi tiếng với hệ thống Shinkansen (HSR), được cả thế giới công nhận về độ an toàn và hiệu suất. Tàu Shinkansen có thiết kế mũi dài giúp giảm sức cản không khí, đồng thời khắc phục các vấn đề như thay đổi áp suất khi đi qua hầm, hạn chế rung lắc ở phần đuôi, và tối ưu tầm nhìn cho người lái.

Về hạ tầng, công nghệ HSR sử dụng đường ray đặc biệt với khoảng cách giữa các thanh ray khác biệt so với đường ray thông thường, giúp giảm ma sát và tăng tốc độ. Hệ thống tàu được trang bị định vị vệ tinh và cảm biến để theo dõi, điều chỉnh tốc độ, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Ngoài ra, hệ thống kiểm soát tự động giúp duy trì khoảng cách giữa các tàu, ngăn tốc độ vượt giới hạn bằng phanh tự động. Mọi hoạt động vận hành đều được giám sát thông qua hệ thống vi tính tiên tiến.

Trong khi đó, Trung Quốc đã phát triển công nghệ xây dựng đường sắt hiện đại bậc nhất thế giới. Theo Tập đoàn Cục Điện khí hóa Xây dựng Đường sắt Trung Quốc, nước này đi đầu trong việc ứng dụng robot và công nghệ tự động vào xây dựng đường sắt điện khí hóa. Đây là bước tiến quan trọng giúp giảm đáng kể lao động thủ công trong các công đoạn phức tạp như đào đắp, đặt đường ray, xây cầu và hầm, lắp đặt hệ thống báo hiệu và liên lạc.

Trước đây, xây dựng đường sắt từng là một trong những ngành nguy hiểm nhất, đòi hỏi nhiều nhân lực và chuyên gia trình độ cao. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của công nghệ, việc ứng dụng máy móc hiện đại đã giúp nâng cao chất lượng công trình, đảm bảo an toàn và rút ngắn thời gian thi công.

Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/loai-trung-quoc-de-chon-nhat-mot-nuoc-bat-ngo-doi-y-quyet-trao-du-an-13-ty-usd-cho-cong-nghe-trung-quoc-nhung-gio-tre-hen-10-nam-a113867.html