Tình hình 7 tỉnh định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương

Các địa phương đều đạt được nhiều kết quả tích cực về thu ngân sách, thu hút đầu tư, du lịch, tăng cường xuất khẩu.

Ngày 22/8/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 891/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch, có 5 đô thị trực thuộc Trung ương gồm: Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh (dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại đặc biệt), Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng (dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại I). Các tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Bình Dương (dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại I).

Đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ sáu với tên gọi mới là Thành phố Huế.

Tình hình kinh tế năm 2024 của các tỉnh định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương năm 2030

Khánh Hòa

Năm 2024, tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành và vượt 22/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội được đề ra. GRDP của tỉnh tăng 10,16% so với năm 2023, đứng thứ 7 cả nước và thứ 2 ở Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Xuất khẩu đạt 2.044,7 triệu USD, tăng 16,5%; thu ngân sách nhà nước đạt 20.100 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm trước.

Tình hình 7 tỉnh định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương- Ảnh 1.

Công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch được tăng cường, với việc ký kết nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác: Biên bản ghi nhớ với tỉnh Hiroshima; Ý định thư với Diễn đàn toàn cầu Boston về giới thiệu nhà đầu tư Hoa Kỳ tiềm năng; Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Khánh Hòa và thành phố Ulsan…

Năm 2024, toàn tỉnh thu hút được 25 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng (trong đó có 3 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 18,86 triệu USD); điều chỉnh tăng vốn cho 16 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư tăng khoảng 2.661,36 tỷ đồng.

Bắc Ninh

Năm vừa qua, Bắc Ninh có GRDP đạt 232,8 nghìn tỷ đồng, tăng 6,03% so với năm 2023. Thu nhập bình quân đầu người tăng 14,8%, đạt 73 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực với tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng lên tới 70,3%. Ngân sách thu được 33.169 tỷ đồng, tăng 13,92% so với 2023.

Tình hình 7 tỉnh định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương- Ảnh 2.

Xuất nhập khẩu đạt 75,9 tỷ USD, với xuất khẩu tăng 2%. Giáo dục đạt nhiều thành tựu, đứng thứ 5 toàn quốc về điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT, và có 79/86 học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Công tác xã hội và an sinh được đánh giá cao, không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia. Đầu tư nước ngoài và trong nước tăng mạnh, với việc thành lập mới nhiều doanh nghiệp và tăng số vốn đăng ký.

Thu hút đầu tư nước ngoài tăng 2,9% về số dự án cấp mới, tăng 70,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ; thu hút đầu tư trong nước tăng gấp 2,2 lần về số dự án cấp mới, gấp 3 lần về số vốn đăng ký; thành lập mới doanh nghiệp tăng 10,1%, vốn đăng ký tăng 9,8%. 

Bà Rịa - Vũng Tàu

Năm 2024, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng với GRDP tăng 11,72%, cao nhất trong 10 năm qua nhờ vào việc tận dụng hiệu quả các thuận lợi từ vị trí chiến lược, phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao, khai thác tiềm năng kinh tế biển, cảng biển quốc tế, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch xanh.

Ngành công nghiệp và xây dựng tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần lớn vào tăng trưởng GRDP. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp được đẩy mạnh, với nhiều cơ sở sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ tiên tiến.

Tình hình 7 tỉnh định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương- Ảnh 3.

Vốn đầu tư thực hiện trong năm ước đạt 81,2 nghìn tỷ đồng, tăng so với năm trước, thúc đẩy nhanh các dự án giao thông trọng điểm. Hoạt động thu hút đầu tư là điểm sáng với việc thu hút được 57 dự án mới và điều chỉnh tăng vốn cho 30 dự án, đạt tổng vốn hơn 2 tỷ USD vốn nước ngoài và hơn 42.013 tỷ đồng vốn trong nước. Ngành thương mại, dịch vụ và du lịch cũng tăng trưởng khá với nhiều chính sách hỗ trợ và hoạt động quảng bá du lịch hiệu quả.

Quảng Ninh

Năm 2024, Quảng Ninh gặp nhiều khó khăn cả từ thiên tai, nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng kinh tế 8,42% với quy mô nền kinh tế ước tính 347,5 nghìn tỷ đồng. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10%, du lịch phát triển với 19 triệu lượt khách, và thu ngân sách nhà nước đạt 55.600 tỷ đồng.

Tình hình 7 tỉnh định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương- Ảnh 4.

Quảng Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng cho năm 2025 trên 12%, với tổng thu ngân sách dự kiến đạt 57.330 tỷ đồng, thu hút vốn FDI mạnh mẽ. Tỉnh sẽ tập trung vào phát triển du lịch, kinh tế số, và kinh tế xanh để đạt mục tiêu này.

Ninh Bình

Tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội chủ yếu, trong đó có 14 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,52%, thu ngân sách vượt dự toán, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp có những bước phát triển ổn định và tăng trưởng. Dịch vụ du lịch cũng tăng trưởng cao.

Tình hình 7 tỉnh định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương- Ảnh 5.

Công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng, đặc biệt là giao thông, đã tạo đột phá mới cho phát triển kinh tế-xã hội. Ninh Bình cũng đã tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa quan trọng, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và mở rộng hoạt động đối ngoại. An ninh và trật tự xã hội được đảm bảo.

Hải Dương

Hải Dương đạt mức tăng trưởng kinh tế 10,2%, xếp thứ 6 trên cả nước và thứ 3 trong vùng đồng bằng sông Hồng, với quy mô GRDP đạt 212.386 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người ước đạt 107,4 triệu đồng (khoảng 4.456 USD/người). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, với tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ lên tới 83% GRDP.

Tình hình 7 tỉnh định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương- Ảnh 6.

Thu ngân sách nhà nước tăng cao, đạt kỷ lục và hoạt động tín dụng ngân hàng ổn định. Tổng vốn đầu tư phát triển ước đạt 64.615 tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm trước. Hải Dương cũng thu hút được 217 dự án đầu tư trong nước và 70 dự án FDI mới. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,2%, và doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 14,2%.

Bình Dương

Tính đến cuối năm 2024, tỉnh Bình Dương đạt 31/36 chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường và đô thị thông minh, với GRDP tăng 7,48% so với năm 2023. GRDP bình quân đầu người đạt 181,2 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 162.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước.

Tình hình 7 tỉnh định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương- Ảnh 7.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm, góp phần vào sự phát triển tích cực của tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu đạt 34,5 tỷ USD, tăng 12,7%, và nhập khẩu đạt 24,5 tỷ USD, tăng 12,2%, với thặng dư thương mại 10 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 71.234 tỷ đồng, tăng 10% so với dự toán. Bình Dương tiếp tục thu hút đầu tư với vốn đăng ký kinh doanh trong nước trên 80.000 tỷ đồng và trên 2,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.

Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/tinh-hinh-7-tinh-dinh-huong-len-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-a113861.html