Sức bật hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ (*): Tổng lực bước vào kỷ nguyên mới

Để tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai các công trình giao thông, địa phương cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức, địa phương nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và kết nối vùng. Do đó, tỉnh luôn tập trung tối đa nguồn lực triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 3 - TP HCM...

Phối hợp chặt chẽ

Ông Võ Tấn Đức nhấn mạnh cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 3 - TP HCM là những dự án giao thông quan trọng của cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng. Vì vậy, UBND tỉnh đã yêu cầu các đơn vị, cá nhân liên quan phải tổ chức thực hiện thi công hoàn thành những dự án này đúng tiến độ. Đối với công tác giải phóng mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, hiện đáp ứng thi công của các nhà thầu, đơn vị thi công.

Là chủ đầu tư dự án đường Vành đai 3 - TP HCM qua tỉnh Đồng Nai và dự án thành phần 1 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, ông Ngô Thế Ân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh, cho hay khó khăn thời gian qua trong triển khai dự án là vướng giải phóng mặt bằng.

Sức bật hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ (*): Tổng lực bước vào kỷ nguyên mới- Ảnh 1.

Thi công dự án cầu Phước An nối tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai. Ảnh: BÍCH NGỌC

Với vai trò chủ đầu tư dự án, đơn vị không chỉ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ và lập kế hoạch giải ngân vốn cho từng hạng mục, gói thầu của những dự án mà còn phối hợp UBND các địa phương và Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh đẩy nhanh công tác bàn giao mặt bằng thi công các dự án.

Bí thư Thành ủy Biên Hòa Hồ Văn Nam yêu cầu các đơn vị và địa phương của thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ các sở, ngành của tỉnh tập trung giải quyết dứt điểm những trường hợp còn vướng mắc về mặt bằng. Trong đó, đối với các hộ đủ điều kiện cấp đất tái định cư thì tổ chức bốc thăm bàn giao đất trước Tết Nguyên đán. 

Những trường hợp không đủ điều kiện và đã thực hiện đầy đủ các bước theo quy định trong công tác đền bù hỗ trợ thì địa phương và Ban Quản lý dự án cùng các ngành liên quan lên kế hoạch để sau Tết Nguyên đán tiến hành cưỡng chế đồng loạt nhằm sớm bàn giao mặt bằng thi công.

Về vật liệu san lấp, tháng 12-2004, UBND tỉnh Đồng Nai cấp phép thêm một vị trí khai thác trữ lượng gần 1 triệu m3 đất đắp phục vụ thi công dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Khu vực khai thác vật liệu san lấp của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng miền Trung (nhà thầu thi công dự án thành phần 2) tại xã Phước Bình, huyện Long Thành có diện tích hơn 13 ha. Tổng trữ lượng đất được phép khai thác làm vật liệu san lấp phục vụ thi công dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tại vị trí này là hơn 989.000 m3 đất nguyên khối (gần 1,2 triệu m3 đất nguyên khai). Công suất khai thác tối đa là 300.000 m3 đất nguyên khối/tháng.

Trước đó, tỉnh cũng đã cấp phép cho Công ty Lizen, nhà thầu thi công dự án thành phần 1 khai thác đất đắp tại 1 vị trí ở phường Tam Phước, TP Biên Hòa với trữ lượng khoảng 200.000 m3 để phục vụ thi công dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Vận dụng chính sách linh hoạt

Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Bình Dương rất "sốt ruột" với tiến độ dự án đường Vành đai 3 - TP HCM đoạn qua TP Thuận An, Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh đã nhiều lần trực tiếp đi khảo sát, làm việc với địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu cũng như người dân để thúc tiến độ.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, yêu cầu các địa phương có đường Vành đai 3 - TP HCM đi qua tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tích cực tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân đồng thuận với chủ trương của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, vận dụng mọi chính sách để hỗ trợ người dân bị thu hồi đất, nhất là các hộ dân bị giải tỏa trắng, khẩn trương tháo gỡ khó khăn nhằm sớm giải quyết bố trí tái định cư cho một số hộ dân.

Sức bật hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ (*): Tổng lực bước vào kỷ nguyên mới- Ảnh 2.

Hướng tuyến dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài đoạn qua địa bàn tỉnh Tây Ninh nhìn từ trên cao. Ảnh: SỸ HƯNG

Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết để giải quyết các khó khăn trong quá trình triển khai những dự án hạ tầng giao thông, địa phương kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ và toàn diện. 

Cụ thể, tổ chức các buổi họp dân, thông tin rộng rãi về mục đích, lợi ích của dự án, những chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng; áp dụng cơ chế bồi thường, hỗ trợ tái định cư công khai, minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân. Nhờ vậy, các dự án giao thông kết nối tại tỉnh đa phần bảo đảm tiến độ, đặc biệt khâu giải phóng mặt bằng thực hiện rốt ráo để có đất sạch giao cho đơn vị thi công.

Riêng đối với dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được Chính phủ cho phép Bộ Giao thông Vận tải và 2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai được áp dụng nhiều cơ chế đặc thù trong quá trình thực hiện. Trong đó, phân cấp cho UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư dự án đoạn qua tỉnh được chỉ định thầu các gói thầu thuộc dự án thành phần 3; chính sách không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường giúp tỉnh chủ động trong nguồn cung ứng nguyên vật liệu và xác định trách nhiệm của nhà thầu theo quy định.

Thủ tướng Chính phủ cũng cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và người có thẩm quyền tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp liên quan đến những dự án thành phần, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Theo lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, riêng gói thầu xây lắp các dự án thành phần (không bao gồm gói thầu xây lắp phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư), việc chỉ định thầu kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng)…

Ông Nguyễn Công Vinh cho biết việc áp dụng hình thức chỉ định thầu đã rút ngắn thời gian khoảng 94 ngày trong quá trình lựa chọn nhà thầu, bảo đảm tiến độ khởi công công trình và thời gian hoàn thành dự án so với hình thức đấu thầu rộng rãi. 

Thường xuyên giám sát, kiểm tra tiến độ

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh đã có những chỉ đạo quan trọng đối với các sở, ngành về tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc các dự án trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đề nghị các sở, ngành phối hợp địa phương rà soát, giải quyết dứt điểm những vướng mắc, chủ động hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư khắc phục khó khăn, hoàn thiện thủ tục, hồ sơ pháp lý để triển khai các dự án. Đặc biệt, những dự án trọng điểm, dự án thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, dự án đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài phải thường xuyên giám sát, kiểm tra tiến độ, có phương án kịp thời và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

Ông Phạm Văn Còn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Trảng Bàng, cho biết sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài, thị xã Trảng Bàng đã nhanh chóng triển khai đến người dân thuộc diện ảnh hưởng bởi dự án. Đến nay, qua thống kê sơ bộ, công tác kiểm đếm các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài đi qua địa bàn thị xã Trảng Bàng để bồi thường cơ bản đã hoàn thành khoảng 94%. Theo đó, đã ban hành thông báo thu hồi đến 749 hộ dân có đất nằm trong dự án. Ông Còn cho hay đã tổ chức họp dân nhiều lần và đa số đều đồng thuận với chủ trương thực hiện dự án.

Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/suc-bat-ha-tang-giao-thong-vung-dong-nam-bo-tong-luc-buoc-vao-ky-nguyen-moi-a112627.html