"Vá" lỗ hổng livestream bán hàng

Các nền tảng cần phải có trách nhiệm trong việc kiểm tra nội dung trước khi livestream, nếu phát hiện vi phạm phải gỡ bỏ.

Bán hàng qua livestream với sự tham gia của những người nổi tiếng, có ảnh hưởng trên mạng xã hội, nhóm mặt hàng kinh doanh có điều kiện như rượu, mỹ phẩm, dược phẩm... nhưng hầu hết được tư vấn bởi người không có chuyên môn. Do vậy, Bộ Công Thương đang nghiên cứu bổ sung các quy định quản lý mới với hình thức livestream nói riêng và bán hàng qua thương mại điện tử (TMĐT) nói chung tại dự thảo Luật TMĐT.

Dễ "dính" hàng giả, hàng nhái

Chia sẻ với Báo Người Lao Động, nhà sáng tạo nội dung Anh Tây Ơi chia sẻ người Việt xem livestream chốt đơn đang trở thành xu hướng. Bản thân anh năm nay cũng "chạy sô" livestream bán hàng liên tục, đến 25-26 tháng chạp sẽ nghỉ Tết và dự kiến đến mùng 4 Tết Ất Tỵ (nhằm ngày 1-2) sẽ quay trở lại. "Nhà sáng tạo nội dung luôn phải cố gắng từng ngày học hỏi, trau dồi kiến thức vì ngành livestream thay đổi rất nhanh" - anh nói.

Nói về kiểm soát chất lượng hàng hóa trên livestream, nhà sáng tạo nội dung Anh Tây Ơi cho hay sẽ nhờ bên thứ 3 kiểm tra chéo để bảo đảm chất lượng hàng hóa và tính khách quan trong các phiên livestream của mình.

Thực tế, livestream bán hàng trên mạng xã hội, sàn TMĐT đang rất sôi động, có người thu về hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng mỗi ngày từ hoạt động này. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phát sinh nhiều hệ lụy khiến quyền lợi người tiêu dùng bị ảnh hưởng khi mua phải hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc; đồng thời nhà nước thất thu thuế.

Năm ngoái, kho hàng của hot girl livestream Malystyle đã bị Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội phát hiện và chuyển đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hà Đông. Ngay thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng đã thu giữ tổng số tiền hàng lên tới hơn 20 tỉ đồng và 126.000 sản phẩm. Theo ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội, hot girl Mailystyle có thể livestream bán hàng thu về hàng tỉ đồng mỗi ngày. "Đó là vụ việc rất lớn, chủ cơ sở này sẵn sàng nộp tiền phạt ngay nếu không bị khởi tố hình sự" - lãnh đạo Cục QLTT Hà Nội từng thông tin.

Đề xuất người thực hiện livestream hoặc những người tư vấn bán hàng hóa, dịch vụ vào nhóm các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ảnh: THÙY LINH

Đề xuất người thực hiện livestream hoặc những người tư vấn bán hàng hóa, dịch vụ vào nhóm các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ảnh: THÙY LINH

Dù vụ việc đang trong quá trình điều tra, hot girl Mailystyle vẫn tiếp tục livestream bán các mặt hàng mỹ phẩm như tẩy da chết, kem dưỡng, serum dưỡng trắng, thực phẩm chức năng... trên kênh fanpage Facebook chính thức Mailystyle.com có 1,1 triệu người theo dõi, vì chưa có quy định nào kiểm soát hoạt động này.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay ai cũng có thể làm giàu trên nền tảng TMĐT. "Tôi khá ngạc nhiên khi các ca sĩ, nghệ sĩ có thể thu hàng trăm tỉ đồng qua bán hàng online, livestream. Tuy nhiên, số thuế thu được là bao nhiêu? Nêu vấn đề để thấy rằng quản lý TMĐT khó khăn thế nào" - bà nêu quan điểm

Làm rõ trách nhiệm chủ sàn thương mại điện tử

Tại Tờ trình đề nghị xây dựng Luật TMĐT, Bộ Công Thương cho rằng một xu hướng phát triển nhanh chóng của TMĐT là hoạt động livestream bán hàng chỉ được điều chỉnh chung giống như một hoạt động quảng cáo đi kèm với bán hàng, mà chưa có các quy định riêng về các chủ thể tham gia livestream (chủ tài khoản, người tham gia livestream), các trường thông tin tối thiểu phải cung cấp cho người xem, trình độ chuyên môn của người thực hiện livestream, định danh chủ tài khoản và các vấn đề về kiểm soát thông tin trong quá trình phát livestream.

Việc các mô hình, xu hướng trên vượt ra ngoài phạm vi điều chỉnh của các chính sách hiện hành cũng như các vấn đề liên quan để bảo vệ dữ liệu cá nhân khiến cho việc quản lý gặp nhiều khó khăn, bất cập. "Mua sắm qua livestream với sự tham gia của những người nổi tiếng, có ảnh hưởng trên mạng xã hội, nhóm mặt hàng kinh doanh có điều kiện như rượu, mỹ phẩm, dược phẩm nhưng được tư vấn bởi người không có chuyên môn" - Bộ Công Thương nêu thực tế.

Những bất cập này dẫn đến hệ lụy là người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến gặp khó khăn vì thiếu thông tin sản phẩm, dịch vụ và thông tin của người bán như địa chỉ, điện thoại liên hệ hay các phương tiện khác. Thậm chí, trong đơn hàng nhận được cũng không có thông tin về người bán.

Đối với các dịch vụ như livestream, nếu để xảy ra những vi phạm liên quan đến quảng cáo sai sự thật, gian lận thương mại hoặc hàng giả, hàng nhái, cơ quan soạn thảo cho rằng các nền tảng cần phải có trách nhiệm trong việc kiểm tra nội dung trước khi phát video, nếu phát hiện vi phạm phải gỡ bỏ theo thời gian quy định.

Cùng với đó, cơ quan quản lý đề xuất bổ sung trách nhiệm của chủ sàn TMĐT, gồm việc phải có trách nhiệm về chính sách, quy định, thông tin hàng hóa, dịch vụ và phân loại hàng hóa trong nước hay nước ngoài bán trên nền tảng. Với người thực hiện livestream hoặc những người tư vấn bán hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cũng phải được các sàn quy định cụ thể.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, một khi đã quản lý TMĐT thì phải quản lý tận gốc. Như để thu thuế sau các phiên livestream cần có sự kết nối dữ liệu từ các sàn TMĐT, nền tảng bán hàng, dịch vụ trung gian với tài khoản ngân hàng để nắm được dòng tiền.

Theo TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cần sự phối hợp của các cơ quan liên quan trong việc quản lý TMĐT nói chung và hoạt động livestream bán hàng nói riêng, đồng thời cần quản lý cả các đơn vị trung gian như giao hàng, chuyển phát nhanh; xuất hóa đơn khi giao dịch hàng hóa.

Một số chuyên gia đề xuất sớm định danh người bán hàng để thu thuế, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đây là bước rất quan trọng để người nổi tiếng khi bán hàng cũng có thể tự truy xuất xem sản phẩm mình bán ra có bảo đảm chất lượng. 

Trung gian logistics, thanh toán cũng phải chịu trách nhiệm

Trong dự thảo Tờ trình Luật TMĐT, Bộ Công Thương cũng đề cập trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ TMĐT như logistics... Song, còn thiếu các quy định cụ thể và chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu thực tiễn hiện nay. Việc này dẫn đến thiếu sự quản lý và giám sát đối với các mô hình trung gian.

Nếu không có quy định rõ ràng, những đơn vị này có thể không tuân thủ các quy định về bảo mật, chất lượng dịch vụ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chưa kể, khi không có cơ chế hợp tác rõ ràng giữa các đơn vị trung gian và cơ quan quản lý nhà nước, việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật sẽ trở nên phức tạp...

Do đó, cơ quan soạn thảo đề nghị doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian có trách nhiệm triển khai các biện pháp, giải pháp kỹ thuật, phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các chủ thể quyền thực thi các biện pháp khi có vi phạm về TMĐT xảy ra trên môi trường mạng.


Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/va-lo-hong-livestream-ban-hang-a112585.html