Năm 2025: Siết chặt kiểm soát thương mại điện tử xuyên biên giới

Trao đổi với phóng viên VTV Times, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh cho biết, năm 2025 sẽ tập trung nguồn lực siết chặt kiểm soát TMĐT xuyên biên giới.

*PV: Bà đánh giá như thế nào về sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới thời gian qua tại Việt Nam?

- Có thể thấy, thời gian qua, TMĐT, kinh tế số Việt Nam tiếp tục tăng trưởng hai con số vững chắc. Tỷ trọng về TMĐT chiếm 2/3 giá trị của nền kinh tế số Việt Nam. Việt Nam thuộc Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế số và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

TMĐT Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng đạt mức 18 - 25% mỗi năm. Năm 2024, quy mô thị trường này đã đạt 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Chỉ trong vài năm, TMĐT xuyên biên giới phát triển mạnh mẽ, không chỉ ở quy mô mà còn là sự đa dạng danh mục sản phẩm và thương hiệu ở nhiều ngành hàng. Thị trường này trở thành điểm đầu tư hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài. 

*PV: Sự phát triển của TMĐT xuyên biên giới đem đến lợi ích như thế nào cho doanh nghiệp cũng như hỗ trợ ra sao cho hoạt động xuất khẩu, thưa bà?

- Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt, nhất là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tận dụng được các nền tảng hiện đại để phát triển kênh phân phối hàng hóa, sản phẩm của mình. 

Nhờ có TMĐT xuyên biên giới, doanh nghiệp không chỉ gia tăng doanh thu mà còn có sự thay đổi rõ rệt về "chất" khi tập trung nâng cao chất lượng và đa dạng hóa danh mục sản phẩm, gia tăng năng lực sản xuất; xây dựng thương hiệu và mở rộng sang nhiều ngành hàng. 

Đối với xuất khẩu, TMĐT xuyên biên giới đã trở thành kênh xuất khẩu hàng hóa quan trọng, mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam. Minh chứng, số liệu từ báo cáo của Amazon Global Selling Việt Nam cho thấy, hơn 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã được xuất khẩu, tăng 50% về giá trị và tăng 40% về số lượng đối tác bán hàng. 

Năm 2025: Siết chặt kiểm soát thương mại điện tử xuyên biên giới- Ảnh 1.

Bà Oanh đánh giá, thương mại điện tử xuyên biên giới là “đòn bẩy” cho xuất khẩu trực tuyến

Ở khía cạnh khác, TMĐT xuyên biên giới, giúp người tiêu dùng Việt Nam trở thành người tiêu dùng toàn cầu, có thể tiếp cận với cả các sản phẩm đa dạng và phong phú cả trong nước và quốc tế. 

*PV: Theo bà, sự phát triển nhanh như vũ bão của TMĐT xuyên biên giới đem lại thách thức như thế nào đối với cơ quan quản lý trong việc vừa đảm bảo cởi mở để thị trường này phát triển, vừa phải quản lý hiệu quả?

- Trước hết cần đề cập đến thực trạng lợi dụng thông thoáng về chính sách và TMĐT xuyên biên phát triển, dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ ký gửi hàng hóa, hành lý…để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Điều này đã và đang đặt ra những thách thức cho công tác quản lý.

"Ngành Công thương sẽ tiếp tục phát triển TMĐT bền vững, TMĐT xanh, giảm thiểu tác động môi trường. Thúc đẩy hợp tác giữa các bên, liên kết với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp. Đồng thời tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nhằm đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển TMĐT xuyên biên giới...", bà Oanh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, thời gian qua, với sự xuất hiện của các công nghệ mới, nền tảng mới như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo...các mô hình TMĐT xuyên biên giới ngày càng trở nên phức tạp và đa dạng. Trong khi hiện nước ta chưa có quy định pháp luật điều chỉnh riêng biệt.

Các mô hình, xu hướng trên vượt ra ngoài phạm vi điều chỉnh của các chính sách hiện hành và các vấn đề liên quan để bảo vệ dữ liệu cá nhân khiến cho việc quản lý gặp nhiều khó khăn, bất cập. Ví dụ như theo quy định hiện nay, các sàn bán lẻ online xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch một năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động với Bộ Công thương. Tuy nhiên, vừa qua, hàng loạt sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein... chưa đăng ký hoạt động ở Việt Nam nhưng vẫn cho người dùng tải ứng dụng, mua hàng và thanh toán trên nền tảng này với phiên bản tiếng Việt. Điều này tạo điều kiện cho hàng giá rẻ từ nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam, tạo cạnh tranh thiếu bình đẳng.

*PV: Trước tình hình đó, Bộ Công thương có kế hoạch và giải pháp như thế nào để quản lý hiệu quả thị trường TMĐT xuyên biên giới, thưa bà?

Để khắc phục những khó khăn, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động TMĐT xuyên biên giới, Bộ Công thương đã Dự thảo Luật TMĐT với rất nhiều quy định cụ thể, chi tiết và phù hợp với bối cảnh thực tế.

Đơn cử, theo dự thảo, thương nhân, tổ chức có hoạt động TMĐT xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam phải xin cấp phép với Bộ Công thương và thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền của mình là pháp nhân tại Việt Nam. 

Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định trách nhiệm của văn phòng đại diện hoặc pháp nhân được ủy quyền tại Việt Nam nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam. Quy định trách nhiệm xác thực người bán nước ngoài và bồi thường người mua trước khi có vi phạm trên nền tảng.

Thêm vào đó, Dự thảo Luật TMĐT cũng quy định, thương nhân, tổ chức nước ngoài bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên nền tảng số TMĐT có trách nhiệm tương tự như người bán trong nước trên nền tảng số TMĐT. Đồng thời, cần cung cấp các thông tin cho chủ quản nền tảng số trung gian TMĐT và các biện pháp đảm bảo xác thực thông tin về người bán và khả năng đáp ứng tiêu chuẩn, kỹ thuật của sản phẩm khi bán vào thị trường Việt Nam.

Hàng hóa nước ngoài được bán, dịch vụ nước ngoài được cung cấp vào thị trường Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về hàng hóa, dịch vụ của thị trường Việt Nam. Chính phủ quy định danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu qua thương mại điện tử.

Đặc biệt, trong năm 2025, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tăng cường quản lý nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ pháp luật.

*PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/nam-2025-siet-chat-kiem-soat-thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-a112499.html