Cách nào đạt tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026-2030? - Phát huy sức mạnh toàn dân

Với mục tiêu hướng tới tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026-2030, việc phát huy sức mạnh toàn dân sẽ trở thành động lực chính, đồng thời là chìa khóa quan trọng để huy động mọi nguồn lực, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững và toàn diện.

(PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả và thị trường (Bộ Tài chính) có bài viết dành riêng cho báo Tiền Phong xung quanh vấn đề này).

Tập trung phát triển sức mạnh toàn dân

Giai đoạn 2026-2030 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Với mục tiêu đầy tham vọng đạt được tốc độ tăng trưởng GDP hai con số, chúng ta không chỉ đối mặt với những cơ hội lớn mà còn phải vượt qua hàng loạt thách thức phức tạp.

Cách nào đạt tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026-2030? - Phát huy sức mạnh toàn dân- Ảnh 1.

Tăng cường huy động vốn thông qua PPP và các nguồn lực trong nước góp phần không nhỏ kéo tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Nguyễn Bằng

Sức mạnh toàn dân không chỉ là sự đoàn kết về ý chí mà còn là sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố kinh tế, xã hội và văn hóa. Mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng và mỗi tổ chức đều đóng vai trò như một mắt xích trong chuỗi giá trị của quốc gia. Từ những sáng kiến nhỏ bé tại địa phương đến những chính sách mang tầm quốc gia, tất cả đều góp phần xây dựng nên một Việt Nam tự tin và mạnh mẽ trên trường quốc tế.

Vậy làm thế nào để sức mạnh toàn dân thực sự trở thành động lực bứt phá trong giai đoạn này? Đây là câu hỏi cần sự đồng lòng và những giải pháp đột phá từ cả chính phủ, doanh nghiệp, và từng người dân.

Thực tế trong giai đoạn 2021-2025, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực công nghệ, nông nghiệp và công nghiệp, góp phần không nhỏ trong việc giúp tăng trưởng kinh tế đất nước. Sự phát triển của công nghệ, chuyển đổi số bùng nổ với Chính phủ điện tử, giáo dục trực tuyến, y tế số, và thương mại điện tử đi kèm với phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, đặc biệt mạng 5G, được triển khai rộng rãi đã thúc đẩy đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về start-up công nghệ trong khu vực Đông Nam Á.

Sự tăng trưởng kinh tế với sự tham gia của “cột trụ” nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, sản xuất hữu cơ giúp tăng năng suất đưa xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực (gạo, cà phê, trái cây) tăng mạnh đi kèm với sự lớn mạnh nhanh chóng của công nghiệp ngành chế biến, chế tạo trong nước.

Việc thúc đẩy kinh tế phát triển không thể thiếu vắng sự đóng góp của các cơ quan quản lý trong thay đổi mạnh mẽ việc cải cách hành chính, hỗ trợ thuế và tín dụng giúp doanh nghiệp vươn lên.

Tháo gỡ các điểm nghẽn

Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), chỉ số mức bất bình đẳng của phân phối thu nhập giữa cá nhân và hệ kinh tế trong một nền kinh tế (chỉ số Gini) của Việt Nam năm 2022 là 35,7. Nhóm 10% giàu nhất có thu nhập cao gấp hơn 10 lần nhóm 10% nghèo nhất. Báo cáo năm 2023 của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy 70% lao động làm việc trong khu vực phi chính thức, với thu nhập thấp và thiếu bảo hiểm xã hội. Khu vực thành thị có thu nhập bình quân cao gấp 1,8-2 lần nông thôn, trong khi Tây Bắc và Tây Nguyên có tỷ lệ nghèo cao nhất (trên 30%). Chênh lệch thu nhập và cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội đang là những rào cản cản trở phát triển bền vững và giảm năng suất lao động. Để thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng 2 con số, giải quyết thu hẹp bất bình đẳng về thu nhập cũng là thách thức đặt ra với nền kinh tế.

Phụ thuộc vào tài nguyên và nền kinh tế gia công cũng là điểm nghẽn cần tập trung giải quyết trong bối cảnh Việt Nam hướng tới tăng trưởng 2 con số. Tình trạng xuất khẩu nguyên liệu thô và hàng gia công chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu, với dầu thô, điện tử, và dệt may ở các ngành chủ chốt đặt ra bài toán yêu cầu nâng tỷ lệ giá trị gia tăng trong sản xuất chế biến (số liệu năm 2023 cho thấy hàm lượng giá trị gia tăng chỉ đạt 22%). Sự phụ thuộc vào xuất khẩu giá trị thấp làm Việt Nam dễ tổn thương trước biến động thị trường và gặp khó trong chuyển dịch sang công nghệ cao do thiếu đầu tư vào nghiên cứu - phát triển (R&D) và giáo dục kỹ thuật.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số trong giai đoạn 2026-2030, cần phát huy sức mạnh toàn dân thông qua đoàn kết, đổi mới sáng tạo, và tận dụng nguồn lực cộng đồng. Các chiến lược trọng tâm cần ưu tiên gồm: Thúc đẩy khởi nghiệp, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển hạ tầng đồng đều, và hợp tác công - tư hiệu quả.

PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế

Việc chưa tận dụng hết tiềm năng lực lượng lao động trẻ trong bối cảnh dân số trong độ tuổi lao động hiện chiếm 68,9% (năm 2023), nhưng tỷ lệ thất nghiệp của lao động trẻ đạt 7,8%, cao hơn mức trung bình toàn quốc cũng là vấn đề quan tâm trong việc hướng đến tăng trưởng 2 con số. Việc có tới 47% lao động trẻ thiếu kỹ năng hoặc làm trái ngành, trong khi chỉ 24% có trình độ cao đẳng trở lên khiến Việt Nam đối mặt với “bẫy kỹ năng thấp”, năng suất lao động kém và tình trạng “chảy máu chất xám”. Cùng với tình trạng bất bình đẳng xã hội, phụ thuộc tài nguyên, và chưa khai thác hết tiềm năng lao động trẻ, đây sẽ là những rào cản lớn đối với phát triển bền vững của Việt Nam.

Cần chiến lược phát huy sức mạnh toàn dân

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026-2030, việc khai thác tối đa tiềm năng của từng cá nhân và cộng đồng là yếu tố cốt lõi. Hai hướng chính cần tập trung gồm thúc đẩy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp và nâng cao nhận thức, trách nhiệm xã hội. Theo đó, cần chiến lược cụ thể để thúc đẩy tinh thần sáng tạo và khởi nghiệp với chiến lược đã được đề ra: cần phát huy nội lực cá nhân và cộng đồng.

Đặc biệt, cần tập trung đưa ra các cơ chế, chính sách thúc đẩy sáng tạo và khởi nghiệp. Cụ thể, cần tăng quỹ đầu tư khởi nghiệp từ 5.000 tỷ (năm 2025) lên 10.000 tỷ đồng (năm 2030), miễn giảm thuế 30%-50% trong 3 năm đầu cho doanh nghiệp mới. Song song với đó là phát triển 50 vườn ươm doanh nghiệp toàn quốc, phổ cập giáo dục các môn khoa học, công nghệ, toán và kỹ thuật (STEM), khuyến khích tham gia các cuộc thi sáng tạo. Mục tiêu đạt được 10.000 doanh nghiệp khởi nghiệp vào 2030, tỷ lệ thành công tăng từ 10% lên 30% cũng là những đầu việc cần tập trung thực hiện trong giai đoạn tới.

Việc tăng cường giáo dục và đào tạo để thích ứng kỷ nguyên số cũng là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Theo đó, Việt Nam cần tập trung đào tạo nhân lực trong công nghệ thông tin, AI, tự động hóa và năng lượng tái tạo và phát triển ngành nghề kỹ thuật cao. Việc đẩy mạnh giáo dục số và đào tạo kỹ thuật cao sẽ là nền tảng để Việt Nam thích ứng chuyển đổi số toàn cầu, song cần đẩy mạnh chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu dài hạn.

Tăng cường hợp tác công - tư tại Việt Nam cũng là một trong những đầu việc quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng. Hiện tại tính đến năm 2025, Việt Nam có hơn 360 dự án PPP với tổng vốn 1,5 triệu tỷ đồng, tập trung vào hạ tầng, giao thông, năng lượng, môi trường. Dự án tiêu biểu như cao tốc Bắc - Nam chiếm 70% tổng vốn đầu tư. Tuy nhiên, khung pháp lý chưa hoàn thiện và thiếu minh bạch trong chọn nhà đầu tư cũng là vấn đề cần cân nhắc giải quyết.

Chính phủ và các bộ ngành cần định hướng phát triển huy động nguồn lực doanh nghiệp nội địa trong thời gian tới. Cùng đó, sửa đổi Luật PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư), thành lập cơ quan quản lý độc lập, áp dụng blockchain minh bạch hóa đấu thầu… sẽ là việc cần tập trung giải quyết. Theo tính toán, khi thực hiện tốt, đầu tư PPP sẽ tăng 15-20%/năm, đạt 20-25% GDP vào năm 2030 giúp tiết kiệm ngân sách Nhà nước hơn 2 triệu tỷ đồng và tạo 2 triệu việc làm mới, nâng cấp chất lượng sống và giảm phát thải carbon.

Việt Nam đứng ở đâu trong chuỗi giá trị?

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI diễn ra, ngày 15/1, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, một trong những điểm yếu lớn là năng lực nghiên cứu và phát triển hiện vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn lực từ nước ngoài, hạn chế năng lực tự chủ công nghệ của Việt Nam. Bên cạnh đó, khả năng thu hút nhân tài công nghệ cao chưa đủ mạnh, dẫn đến việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp. Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung còn thấp, chỉ tham gia ở mức rất khiêm tốn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Tôi được báo cáo là Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm, đứng thứ 8 thế giới về thiết bị linh kiện điện tử. Đây là những con số có vẻ rất ấn tượng, hoành tráng, đáng tự hào nhưng thử hỏi, chúng ta đã bao giờ nhìn sâu vào bản chất những số liệu này chưa”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Thực tế, “Việt Nam đóng góp được bao nhiêu phần trăm trong những giá trị xuất khẩu đó hay đang ở những phân khúc thấp nhất của chuỗi giá trị, chủ yếu là gia công cho nước ngoài. Một cái áo bán ra thì thiết kế, vải, lụa, chỉ, cúc đều của người khác thì thu nhập là bao nhiêu trên những sản phẩm này, có chăng đóng góp của chúng ta chỉ là công lao động và ô nhiễm môi trường. Số liệu trên được trích dẫn từ báo cáo của lãnh đạo về thành tích của ngành mình nhưng tôi tự hỏi đây có phải là sự ngộ nhận, hoặc tự huyễn, hoặc tự ru mình hay không ”, Tổng Bí thư nói.

Thục Quyên (ghi)

Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/cach-nao-dat-tang-truong-hai-con-so-giai-doan-2026-2030-phat-huy-suc-manh-toan-dan-a112489.html