Tỉnh phát triển hàng đầu Việt Nam cần hơn 1 triệu tỷ đồng để trở thành thành phố trực thuộc trung ương

Đây là năm thứ 3 liên tiếp tỉnh tăng trưởng GRDP ở mức 2 con số và giữ vững ở nhóm các địa phương tăng trưởng cao nhất của cả nước.

Tỉnh phát triển hàng đầu Việt Nam cần hơn 1 triệu tỷ đồng để trở thành thành phố trực thuộc trung ương- Ảnh 1.

Khánh Hòa là một tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam. Diện tích tự nhiên của Khánh Hòa, cả trên đất liền và hơn 200 đảo và quần đảo là 5.197 km2. Bờ biển dài 385 km với nhiều cửa lạch, đầm, vịnh, nhiều đảo và vùng biển rộng lớn.

Theo Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Khánh Hòa sẽ được xây dựng, phát triển trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2030, quy mô dân số toàn tỉnh khoảng 1,4 triệu người. Khánh Hòa cũng sẽ trở thành trung tâm kết nối vùng và là cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.

Theo quyết định trên, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm của Khánh Hòa là 8,3% trong thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030, Khánh Hòa dự kiến nhu cầu vốn đầu tư là khoảng trên 1 triệu tỷ đồng.

Trong đó, nguồn vốn khu vực Nhà nước 153.000 tỷ đồng; nguồn vốn khu vực ngoài Nhà nước 661.000 tỷ đồng; nguồn vốn ODA và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 204.000 tỷ đồng.

Tỉnh phát triển hàng đầu Việt Nam cần hơn 1 triệu tỷ đồng để trở thành thành phố trực thuộc trung ương- Ảnh 2.

Về tình hình thực hiện các kế hoạch, tại Hội thảo khoa học: "Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để xây dựng tỉnh Khánh Hoà trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030" diễn ra hồi tháng 10/2024, Khánh Hòa cho biết, đến nay, tỉnh đã đạt các tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương như quy mô dân số hơn 1,26 triệu người/tiêu chuẩn 1 triệu người; diện tích gần 5.200km2/ tiêu chuẩn là 1.500km2. Riêng tiêu chí đô thị loại 1 chưa đạt.

Đối với tiêu chuẩn cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, Khánh Hòa mới đạt 4/6 tiêu chí gồm: Cân đối thu chi ngân sách; Mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất, Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trung bình 3 năm gần nhất; Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế. Còn 2 tiêu chí chưa đạt gồm: Thu nhập bình quân đầu người/tháng cao gấp 1,75 lần so với trung bình cả nước và tỷ lệ lao động phi nông nghiệp nội thành đạt 90%.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, tỉnh đã huy động được khoảng 450.000 tỷ đồng phát triển đô thị, cần khoảng 750.000 tỷ đồng phát triển trong 5 năm tới.

Tỉnh phát triển hàng đầu Việt Nam cần hơn 1 triệu tỷ đồng để trở thành thành phố trực thuộc trung ương- Ảnh 3.

Và để đạt được mục tiêu đề ra, phía Khánh Hòa cho biết, đối với dự án đầu tư công, tỉnh ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tinh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng; hạ tầng khu kinh tế Vân Phong; hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là các đô thị động lực đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh để thu hút các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả.

Tiếp tục ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, đê điều, cấp nước, xử lý rác thải, nước thải, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, phòng chống và giảm nhẹ ảnh hưởng của thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững.

Về các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công - Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng của tỉnh nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của các công trình hạ tầng đã và đang được thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công. Đẩy mạnh thu hút đầu tư mở rộng, nâng cao năng suất, hiệu quả các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư bao gồm: Hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao; nguồn điện và lưới điện; hạ tầng logistics, hệ thống cảng biển, bền cảng đường thủy nội địa, các khu nông, lâm nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao, cấp nước sạch; các khu đô thị, khu du lịch, khu thể thao; cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, thương mại, dịch vụ. Thu hút đầu tư gia tăng mật độ, quy mô, năng suất, hiệu quả của các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các vùng động lực của tỉnh.

"Tỉnh Khánh Hòa sẵn sàng trải thảm đỏ để đón các nhà đầu tư, tin tưởng rằng dưới thảm đó là lớp cát rất tốt. Quản lý chặt chẽ quy hoạch để đảm bảo bền vững. Đặc biệt, đầu tư cho hạ tầng, đầu tư cho y tế, giáo dục, các mảng an sinh khác cũng như hạ tầng để đảm bảo xây dựng các địa phương thực sự tốt", ông Nguyễn Tấn Tuân chia sẻ trong Hội thảo khoa học: "Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để xây dựng tỉnh Khánh Hoà trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030".

Theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa, dự kiến kết thúc năm 2024, cả 22/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2024 ước tăng 10,16% so với năm 2023 (kế hoạch 8,1%).

Với sự tăng trưởng như dự báo, đây là năm thứ 3 liên tiếp tỉnh đạt tăng trưởng GRDP ở mức 2 con số và giữ vững ở nhóm các địa phương tăng trưởng cao nhất của cả nước.

Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/tinh-phat-trien-hang-dau-viet-nam-can-hon-1-trieu-ty-dong-de-tro-thanh-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-a112311.html