“Vua nhà cửa”, “Vua tiền bạc” Huỳnh Trọng TánKỳ 2: Làm giàu và cống hiến cho cộng đồng
Kế thừa và phát huy triết lý kinh doanh từ cha, doanh nhân Huỳnh Trọng Tán đã cống hiến nhiều tài sản cho hoạt động từ thiện và xây dựng các công trình phục vụ cộng đồng.
Kế thừa di ngôn “Làm giàu phải biết nghĩ đến cộng đồng thời mới giữ được tiền của” do ông Hứa Bổn Hòa (Chú Hoả) trước khi qua đời để lại, Huỳnh Trọng Tán cùng các anh em đã đóng góp nhiều tài sản cho hoạt động từ thiện và xây dựng nhiều công trình phục vụ dân sinh tại Sài Gòn - Chợ Lớn.
Xây bệnh viện cho người dân khám chữa bệnh
Trong suốt cuộc đời kinh doanh, ông Huỳnh Trọng Tán đã tổ chức nhiều hoạt động từ thiện và quyên góp tiền của để xây dựng nhiều công trình cho cộng đồng. Một trong những di sản còn lại đến ngày nay là Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn. Bệnh viện ban đầu là một phòng khám được xây dựng vào năm 1914 dành cho người Việt lúc bấy giờ, theo quyết định của Hội đồng thành phố Sài Gòn. Vào năm 1934, ông Huỳnh Trọng Tán đã đóng góp một phần kinh phí để xây dựng và hoàn thiện các dịch vụ khám chữa bệnh tại đây.
Tổng kinh phí xây dựng bệnh viện là 185 ngàn đồng Đông Dương và bệnh viện chính thức hoàn thành vào năm 1939 với tên gọi Polyclinique Dejean de la Batie - được đặt theo tên của vị bác sĩ thành lập phòng khám. Tuy nhiên, người dân lúc bấy giờ thường gọi là Nhà thương Chú Hỏa và trước cửa bệnh viện có khắc dòng chữ Tăng Chánh Hui Bon Hoa để ghi công người đã đóng góp để hoàn thành bệnh viện phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân.
Về sau, bệnh viện đã đổi tên thành Bệnh viện Sài Gòn vào năm 1955 và vẫn tiếp tục phục vụ và chăm sóc y tế cho cộng đồng. Tính đến năm 1985, sau một quá trình sáp nhập và thay đổi, Bệnh viện tiếp tục tồn tại và hoạt động dưới tên gọi Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn. Đến nay, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn đã trở thành bệnh viện hạng II với quy mô 250 giường bệnh.
Ngoài Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, ông Huỳnh Trọng Tán và gia đình còn quyên góp xây dựng nhiều công trình khác như Phước Thiện Y viện hoàn thành năm 1909, nay là Bệnh viện Nguyễn Trãi, Bệnh viện Maternité Indochinoise hoàn thành năm 1937, Bảo sanh viện Đông Dương, nay là Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ...
Xây trường dạy học và quyên góp cứu tế
Không chỉ đóng góp xây dựng các công trình y tế tại Sài Gòn - Chợ Lớn để phục vụ người dân, ông Huỳnh Trọng Tán còn rất quan tâm đến công tác giáo dục cho con em người Việt, người Hoa. Năm 1908, ông cùng với một doanh nhân người Hoa khác là Tạ Mã Điền kêu gọi vận động quyên góp xây dựng Trường Trung học Pháp Hoa hay còn gọi là Bác ái Học viện. Đây là ngôi trường lâu đời và lớn nhất của người Hoa ở Chợ Lớn được xây dựng với kiến trúc cổ kính kết hợp giữa kiến trúc Trung Quốc và Pháp. Trường dạy tiếng Trung, tiếng Việt và tiếng Pháp cho học sinh, nên sau khi tốt nghiệp, nhiều học sinh của trường có thể nói song ngữ lưu loát. Trường vẫn tồn tại đến ngày nay, hiện nay là cơ sở của Trường Đại học Sài Gòn.
Đặc biệt, trụ sở Công ty Hui Bon Hoa và tư gia của anh em Huỳnh Trọng Tán nằm trong khuôn viên rộng lớn hình chữ nhật bao bọc bởi ba con đường tại TP.HCM ngày nay là đường Phó Đức Chính, đường Lê Thị Hồng Gấm và đường Nguyễn Thái Bình, đã được sử dụng làm Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Ngoài việc quyên góp xây dựng các công trình phục vụ cộng đồng, Huỳnh Trọng Tán cùng với Vi Khải và linh mục Francois Tam Assou (nhà thờ Cha Tam, Chợ Lớn) đã quyên góp 500 đồng Đông Dương vào quỹ cứu tế đồng bào bị nạn lụt ở Trung kỳ năm 1932. Bên cạnh đó, ông Huỳnh Trọng Tán cùng gia đình còn tổ chức nuôi những người vô gia cư tại Sài Gòn - Chợ Lớn.
Khi sự nghiệp và danh tiếng đang ở thời kỳ đỉnh cao thì Huỳnh Trọng Tán đột ngột qua đời vào ngày 28/1/1934, hưởng thọ 57 tuổi. Tờ Sài thành nhật báo ngày 3/2/1934 viết về sự nghiệp của doanh nhân Huỳnh Trọng Tán như sau: “M. Tang Chanh sanh tại Nam Kỳ hồ năm 1877. Người ta thấy vậy cho ông là dân Nam Kỳ chớ không phải là người Tàu vì trọn đời ông, ông chỉ về Tàu có 3 lần mà thôi. Kế nghiệp cha hồi mới nên 16 tuổi, M. Tang Chanh nhờ có trí thông minh, lanh lợi, đem của tiền ở Áo Môn bên Tàu qua Nam Kỳ lập tiệm cầm đồ.
Càng ngày càng giàu, M. Tang Chanh mới xuất tiền ra mà làm việc nghĩa. Nhà thương Phước Kiến ở Chợ Lớn, trường Trung học Pháp Hoa ở Chợ Quán đều có tay của ông giúp vào. 56 năm trời lặn lội, M. Tang Chanh sang cũng ở Nam Kỳ. Cái gương làm ăn, từ thiện của M. Tang Chanh tưởng những người khách trú ở đây, ít người bì kịp lắm”.
Linh cữu của doanh nhân Huỳnh Trọng Tán được gia đình đưa về an táng tại nghĩa trang của gia tộc Hứa Bổn Hòa tại Biên Hòa. Sau khi Huỳnh Trọng Tán qua đời, để vinh danh gia tộc Hứa Bổn Hòa, chính quyền thực dân Pháp đã đặt tên cho con đường nối liền Sài Gòn với Chợ Lớn là đại lộ Hui Bon Hoa (Boulevard Hui Bon Hoa), ngày nay là đường Lý Thái Tổ ở quận 10.
Khi Huỳnh Trọng Huấn và Huỳnh Trọng Tán lần lượt qua đời, người em út Huỳnh Trọng Bình đã gánh vác gia sản khổng lồ của gia đình để lại. Công ty Hui Bon Hoa tiếp tục hoạt động cho đến năm 1951 khi ông Huỳnh Trọng Bình mất và từ đó Công ty không còn hoạt động khi con cháu Hứa Bổn Hòa dần chuyển ra nước ngoài sinh sống trong thập niên 1950. Sau năm 1975, toàn bộ gia tộc Hứa Bổn Hòa đã chuyển sang Pháp và Mỹ sinh sống. Dù vậy, di sản mà gia đình Hứa Bổn Hòa để lại vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Nhiều bệnh viện gia đình hiện nay vẫn còn kiên cố, nhiều dãy phố xưa của gia đình vẫn còn giữ nguyên diện mạo để nhớ về một thời Sài Gòn xưa.
Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/vua-nha-cua-vua-tien-bac-huynh-trong-tan-ky-2-lam-giau-va-cong-hien-cho-cong-dong-a112247.html