Siêu cảng quốc tế hàng tỷ USD được coi là 'mỏ vàng' chiến lược của Việt Nam chính thức đón tin vui

Dự án siêu cảng quốc tế này sẽ được hưởng các cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có) theo quy định của pháp luật hiện hành.

Ngày 16/1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 16/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Mục tiêu của Dự án là xây dựng và phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, bao gồm các dịch vụ liên quan đến khai thác cảng container cảng biển và các dịch vụ khác. Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xác định các sản phẩm và dịch vụ cụ thể để đảm bảo hiệu quả của cảng trung chuyển quốc tế.

Thủ tướng cũng giao Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo cơ quan chuyên môn xác định cụ thể tổng vốn đầu tư của dự án theo đề xuất của nhà đầu tư để ghi nhận trong quá trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định.

Dự án được hưởng các cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có) theo quy định của pháp luật hiện hành.

Theo quy hoạch, dự án cảng Cần Giờ được thực hiện tại Cù lao Gò Con Chó, huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh với quy mô diện tích sử dụng đất khoảng 571 ha.

Vốn đầu tư được xác định trên cơ sở đề xuất thực hiện dự án và Đề án nghiên cứu cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và không thấp hơn 50.000 tỷ đồng.

Dự án Cảng Cần Giờ do liên danh Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn - Terminal Investment Limited Holding S.A - TIL đề xuất đầu tư triển khai với tổng vốn đầu tư hơn 113.500 tỷ đồng (tương đương hơn 4,5 tỷ USD).

Đơn vị nghiên cứu ước tính sản lượng hàng hóa năm đầu tiên qua cảng đạt khoảng 2,1 triệu TEU (1 TEU bằng 1 container 20 feet). Sau 7 giai đoạn đầu tư, lượng hàng qua Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể đạt 16,9 triệu TEU vào năm 2047 - bằng một nửa sản lượng Singapore hiện nay. Khu cảng dự kiến đóng góp vào ngân sách 34.000 - 40.000 tỷ đồng mỗi năm khi khai thác hết công suất.

Siêu cảng quốc tế hàng tỷ USD được coi là 'mỏ vàng' chiến lược của Việt Nam chính thức đón tin vui- Ảnh 1.

Xây dựng và phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, bao gồm các dịch vụ liên quan đến khai thác cảng container cảng biển và các dịch vụ khác - Ảnh: VGP

Tại hội nghị hồi đầu năm 2025, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết, sản lượng hàng hóa qua các cảng biển Việt Nam hiện đạt 30 triệu TEU, vượt xa dự báo cách đây 10 năm.

Theo ông Tĩnh, Singapore hiện là cảng trung chuyển lớn nhất khu vực đang xử lý khoảng 37 triệu TEU. Vì vậy, với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, lãnh đạo VIMC tin rằng Việt Nam hoàn toàn có khả năng vượt qua vị trí số 1 của Singapore trong tương lai gần

"Đây sẽ là bước đi quan trọng để nâng tầm ngành hàng hải Việt Nam, cạnh tranh sòng phẳng với các cảng biển lớn trên thế giới", Tiền Phong dẫn lời ông Tĩnh khẳng định nếu dự án được phê duyệt.

Cảng Cần Giờ được các chuyên gia kỳ vọng sẽ trở thành "mỏ vàng" chiến lược, mở ra cánh cửa đưa Cảng Sài Gòn tiến ra biển lớn. Dự án này không chỉ củng cố vị thế của TP. HCM mà còn nâng tầm thành phố, giúp giữ vững vai trò trung tâm logistics hàng đầu khu vực và châu Á, sánh vai với những "ông lớn" như Hồng Kông (Trung Quốc) hay Singapore.

Nhà đầu tư không được chuyển nhượng dự án trong 5 năm

Quyết định số 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng có nêu ra những điều kiện đối với dự án và nhà đầu tư thực hiện dự án.

Theo đó, chỉ được thực hiện sau khi Dự án đã phù hợp với quy hoạch các cấp và được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển mục đích đất rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, pháp luật về đất đai và quy định khác có liên quan. Dự án và nhà đầu tư thực hiện phải hoàn thành thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Thủ tục, điều kiện về công nghệ sử dụng tại dự án theo quy định của pháp luật về công nghệ và chuyển giao công nghệ.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng không được chuyển nhượng dự án trong thời gian 05 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Việc thay đổi nhà đầu tư sau thời gian này thực hiện theo quy định của pháp luật và phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu nếu thay đổi nhà đầu tư phải được sự chấp thuận của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan có liên quan trong trường hợp phát sinh các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh trong quá trình thực hiện Dự án và trong trường hợp chuyển nhượng dự án hoặc chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần chi phối, chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức thực hiện Dự án.

Trong quá trình khảo sát, thi công và quá trình hoạt động mà phát hiện các di vật, cổ vật phải báo ngay cho ngành văn hóa và chính quyền địa phương được biết để có phương án xử lý theo quy định.

Siêu cảng quốc tế hàng tỷ USD được coi là 'mỏ vàng' chiến lược của Việt Nam chính thức đón tin vui- Ảnh 2.

Cảng quốc tế Cần Giờ trong tương lai - Ảnh minh họa tạo bởi AI ChatGPT

Liên quan đến dự án này, hồi tháng 8/2024, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng việc phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ ở giai đoạn này là cơ hội lịch sử, là thời cơ không cho phép chậm trễ.

Cụ thể, ông Thiên thông tin trên TNO, hiện nay, 10 cảng biển lớn nhất thế giới thì 9 cảng nằm ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Trong đó, Trung Quốc xây dựng tới 7 cảng, Hàn Quốc và Singapore mỗi nước đều có cảng trung chuyển.

Ông Thiên cũng phân tích, yếu tố quyết định hàng đầu trong vận tải hàng hải là hãng tàu. Chúng ta đã mời được hãng tàu lớn nhất thế giới tham gia.

"Cụm cảng Cần Giờ và Cái Mép - Thị Vải mà được sự dẫn dắt của 1 - 2 hãng tàu lớn nhất thế giới thì sự cộng hưởng lợi ích là vô tận. Xu thế dịch chuyển đang tạo cho chúng ta nhiều cơ hội về nguồn hàng. Hiếm có cơ hội để một doanh nghiệp quốc tế cam kết đầu tư. Chúng ta còn chần chừ, không làm nhanh thì sẽ mất thời cơ. Thời cơ là quan trọng nhất, quan trọng hơn tất cả những lợi ích lặt vặt khác", TNO dẫn lời chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/sieu-cang-quoc-te-hang-ty-usd-duoc-coi-la-mo-vang-chien-luoc-cua-viet-nam-chinh-thuc-don-tin-vui-a111657.html