Năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến diễn ra trong 2 ngày 25 và 26/6. Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, khoảng giữa tháng 7, thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Thí sinh đăng ký xét tuyển thẳng sẽ thực hiện trong thời gian sớm hơn theo quy định của các trường đại học. Thí sinh có kết quả các kỳ thi khác (đánh giá năng lực, đánh giá tư duy...) phải nộp theo thời gian quy định của Bộ GD&ĐT.
Trong thời gian đăng ký xét tuyển theo quy định, thí sinh được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng và lưu ý, sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp, trong đó nguyện vọng 1 là ưu tiên cao nhất. Các nguyện vọng sau sẽ không được xét tiếp nếu thí sinh đã trúng tuyển ở nguyện vọng trên.
Sau khi thí sinh hoàn tất đăng ký xét tuyển, hệ thống phần mềm xét tuyển của Bộ sẽ lọc ảo. Thí sinh chỉ được trúng tuyển nguyện vọng duy nhất. Sau khi trúng tuyển, bắt buộc thí sinh phải xác nhận nhập học trên hệ thống; nếu không thì xem như thí sinh từ chối trúng tuyển và có thể đăng ký các đợt xét tuyển bổ sung theo quy định của các trường, nếu trường còn chỉ tiêu (cuối tháng 8/2025).
Đặc biệt, năm 2025 là năm đầu tiên thí sinh tốt nghiệp THPT theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Vì vậy, các kì thi riêng của cơ sở giáo dục ĐH cũng phải điều chỉnh cho phù hợp.
Ngân hàng câu hỏi đánh giá tư duy 2025 sẽ được rà soát và điều chỉnh, để đảm bảo bám sát chương trình giáo dục 2018. Những câu hỏi có chứa kiến thức không có trong chương trình mới sẽ được loại bỏ.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề tuyển sinh 2025, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), cho biết, năm nay thí sinh tiếp tục đăng kí xét tuyển ĐH, cao đẳng trực tuyến trên hệ thống của Bộ. Bộ đang cố gắng điều chỉnh để việc đăng kí của thí sinh trở nên gọn nhẹ, tránh sai sót. Theo ông Hùng, thí sinh có nhiều nguyện vọng và các trường ĐH có nhiều phương thức xét tuyển, do đó, khi đăng kí xét tuyển, cần trực tiếp tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2025 trên các trang web chính thức của nhà trường, tránh vào các trang không chính thống gây nên những nhầm lẫn đáng tiếc.
Những năm qua, nhiều thí sinh lên hệ thống xét tuyển đã kê khai sai về đối tượng, khu vực ưu tiên, dẫn đến các em có thể từ đỗ thành trượt và ngược lại. Ông Hùng thông tin, Bộ GD&ĐT đang cân nhắc việc bỏ xét tuyển sớm sau phản ánh của nhiều trường THPT và các sở GD&ĐT về những ảnh hưởng của xét tuyển sớm khiến học sinh lớp 12 lơ là học tập. Hoặc Bộ sẽ có những quy định mới để các trường có thể tuyển sinh học sinh có năng lực vượt trội vào trường sớm.
Trao đổi với Người Lao Động về những thay đổi quan trọng dự kiến áp dụng trong mùa tuyển sinh ĐH 2025, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD&ĐT, cho biết, năm nay, thí sinh sẽ thi 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Việc sử dụng các môn thi này trong tổ hợp xét tuyển như thế nào phụ thuộc vào các trường đại học. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng các trường đều mong muốn tuyển được những thí sinh tốt nhất, phù hợp nhất với ngành nghề đào tạo của mình nên sẽ sử dụng những môn học phù hợp nhất.
Năm nay, để các trường không thể đưa ra quá nhiều tổ hợp tuyển sinh cho một ngành, một nhóm ngành đào tạo, chúng tôi quy định tổ hợp tuyển sinh ít nhất phải có một môn quan trọng là Ngữ văn hoặc Toán - một trong hai môn bắt buộc khi các em thi tốt nghiệp THPT. Trọng số điểm của môn học này cũng phải chiếm tỉ trọng nhất định và quan trọng trong các tổ hợp.
Thay vì quá lo lắng vấn đề tổ hợp, các em học tập thật tốt để có kết quả thi cao nhất.
Trúc Chi (t/h)