"Kỳ tích khác thường" của Việt Nam và kho tàng bất tận, sinh lời cực lớn, không mỏ khoáng sản nào bằng

Một lĩnh vực là niềm tự hào của Việt Nam trên thị trường quốc tế, trụ cột của nền kinh tế, trong năm ngoái đã mang về hơn 60 tỷ USD từ xuất khẩu và được kỳ vọng sẽ sớm đạt 100 tỷ USD.

"Kỳ tích khác thường" của Việt Nam và kho tàng bất tận, sinh lời cực lớn, không mỏ khoáng sản nào bằng- Ảnh 1.

2024 là một năm rực rỡ của nông nghiệp Việt Nam. Xuất khẩu lập kỷ lục chưa từng có, đem về 62,5 tỷ USD, xuất siêu 17,9 tỷ USD, chiếm 72% xuất siêu của cả nước.

Nhưng 2024 cũng là năm sóng gió của nông nghiệp Việt Nam, với hàng loạt thử thách, từ siêu bão Yagi, biến động thị trường đến căng thẳng chuỗi cung ứng toàn cầu.

Những người làm nông nghiệp đã làm thế nào để vượt chông gai, vươn lên vị thế đáng tự hào?

“Vua hồ tiêu” Phan Minh Thông (Chủ tịch & CEO Phúc Sinh); “Vua xuất khẩu trái cây” Nguyễn Đình Tùng (Chủ tịch & CEO VinaT&T) và Anh hùng Lao động Hồ Quốc Lực (Chủ tịch Sao Ta) đã chia sẻ về hành trình trách nhiệm, minh bạch, bền vững mà họ đã lựa chọn để đi đến thành công trong năm 2024.

"Kỳ tích khác thường" của Việt Nam và kho tàng bất tận, sinh lời cực lớn, không mỏ khoáng sản nào bằng- Ảnh 2.

Năm 2017, sau một chuyến đi Tây Bắc, choáng ngợp trước bạt ngàn Arabica, doanh nhân Phan Minh Thông đã đưa ra quyết định mang tính bước ngoặt với Phúc Sinh: Xây dựng nhà máy chế biến cà phê ở Sơn La. Khi đó, Phúc Sinh đang trên đỉnh cao của thị trường hồ tiêu, còn cà phê Sơn La thì ngay cả nhiều người ở Hà Nội cũng chưa hề biết đến.

7 năm sau, 2024, quyết định tưởng chừng quá đỗi liều lĩnh đó đã mang lại cho ông Thông hai điều tự hào. Cà phê đặc sản Sơn La vừa mang đến Chicago (Mỹ) chào hàng đã bán sạch bách, trong khi ở nhà máy, 8.000 tấn, 400 container không còn một hạt. Và nhà máy Phúc Sinh Sơn La thu hồi toàn bộ vốn đầu tư, bắt đầu có lãi. Khách hàng yêu thích, truyền tai nhau lan khắp châu Âu, Trung Đông. Cà phê Phúc Sinh hiện giờ đã có mặt ở hơn 70 nước.

Để vươn ra thế giới, ông Thông đã chọn cho Phúc Sinh một con đường khó: Đầu tư làm cà phê đặc sản. Từ 6.000 tấn nguyên liệu hảo hạng, công ty chỉ cho ra được 6 tấn cà phê đặc sản. Và họ phải mất 5-6 năm kiên trì để chinh phục khách hàng. Nhưng thành quả thì vô cùng xứng đáng. “Đó là thành tựu lớn, gây tiếng vang và quảng bá tốt thương hiệu cà phê Việt Nam, để khi nhắc đến arabica Việt Nam thì họ nghĩ ngay có loại đặc sản rất ngon. Đó là chung cho cả ngành chứ không chỉ riêng Phúc Sinh”, ông Thông nói.

Trong 62,5 tỷ USD xuất khẩu của nông nghiệp Việt Nam năm 2024, cà phê chiếm khoảng 9%. Đây là mức thu kỷ lục của xuất khẩu cà phê, lần đầu tiên vượt 5 tỷ USD. Nếu nhìn từ bên ngoài, sẽ thấy trận cuồng phong tăng giá đã giúp cà phê Việt Nam có một năm bội thu, khi chúng ta là nhà xuất khẩu cà phê robusta số 1 thế giới. Nhưng chỉ có người trong cuộc mới hiểu, 2024 cũng là thời khốc liệt của cà phê.

"Kỳ tích khác thường" của Việt Nam và kho tàng bất tận, sinh lời cực lớn, không mỏ khoáng sản nào bằng- Ảnh 3.

Giá cả biến động mạnh đã khiến các doanh nghiệp xuất khẩu rơi vào cảnh mua cao bán thấp vì giá bán theo hợp đồng đã ký từ trước, không mua được hàng khi thương lái găm lại đầu cơ. Nhiều công ty, nhà rang xay nhỏ trên toàn cầu phá sản.

“Các công ty cà phê hàng đầu thế giới khi tìm kiếm đối tác, lục lại những mối cũ thì họ nhận ra chuỗi cung ứng toàn cầu đã đứt gãy và thay đổi chóng mặt…”, Chủ tịch Phúc Sinh cho biết.

Bất chấp khó khăn, công ty của ông đã xuất ra 70.000 tấn cà phê, trở thành top 4 công ty đứng đầu ngành hàng này tại Việt Nam. “Lúc khó khăn mà mình vẫn chống đỡ được thì đó là một thành tựu rồi. Vươn lên ở thị trường khắc nghiệt là rất khó”, vị doanh nhân chia sẻ về thành tựu đáng tự hào của Phúc Sinh năm 2024.

Ngành cà phê có quá nhiều thách thức. Robusta của Việt Nam từng được thế giới nghĩ là vô tận, giờ đây đã thay đổi. Chúng ta cũng đang đầu tư nhiều hơn vào khâu chế biến trong khoảng 5 năm gần đây. Nhưng để bắt kịp xu hướng thì vẫn còn là thử thách lớn.

Năm 2025, Phúc Sinh dự kiến vẫn sản xuất khoảng 8.000 tấn arabica nhưng nâng số lượng cà phê đặc sản lên 20 tấn. Công ty đồng thời đầu tư chuỗi K Coffee và mô hình trải nghiệm trên Sơn La để khách hàng tham quan tất cả các khâu trồng trọt, chế biến, thử nếm cà phê. Theo ông Thông, đây là cách quảng bá và giới thiệu để nhiều người hiểu sâu sắc, được thưởng thức cà phê thật.

"Kỳ tích khác thường" của Việt Nam và kho tàng bất tận, sinh lời cực lớn, không mỏ khoáng sản nào bằng- Ảnh 4.

Bên cạnh cà phê, 2024 cũng là năm xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam nói chung và Phúc Sinh nói riêng thắng lớn. Sau nhiều năm mất mốc 1 tỷ USD, vừa qua, hồ tiêu Việt đã thu về 1,3 tỷ USD từ xuất khẩu, giữ vững vị trí Top 1 thế giới. Riêng Phúc Sinh, sản lượng xuất khẩu vượt 21.000 tấn, tăng gần 50%, đứng Top 1 các doanh nghiệp trong nước.

Cũng như cà phê, giá tiêu đang bắt đầu một chu kỳ tăng liên tiếp, và trong hoàn cảnh thị trường biến động mạnh, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lại rất khó khăn, thậm chí phá sản. Chiến lược của Phúc Sinh trong 2 năm qua là mua nhiều hơn bán, cứ 100 container chỉ bán ra một nửa. Để làm tốt điều này, doanh nghiệp cần có tài chính tốt, hệ thống nhà máy chế biến và lưu kho hiện đại. “Khi biến động xảy ra, những nhà máy chế biến sản xuất hồ tiêu mà công ty đã đầu tư trong suốt nhiều năm qua giống như phao cứu sinh”, ông Thông tiết lộ bí quyết chuyển nguy thành cơ của Phúc Sinh.

Sau nhiều năm lăn lộn với thị trường quốc tế, ông Thông rất hiểu vị thế của mình. “Khi rẻ bán khó, khi đắt bán dễ”. Vì thế, ông đã học cách từ chối khéo rất nhiều lời mời. Kết quả, Phúc Sinh có lãi lớn từ hồ tiêu trong khi không ít công ty sụp đổ

Một điều mà “vua hồ tiêu” cũng tự hào khi nhắc đến thành tựu năm qua là Phúc Sinh vẫn đầu tư chế biến các loại tiêu đặc sản cần nhiều thời gian, công sức như tiêu xanh sấy lạnh hay sốt tiêu, tương tự như cách ông đã làm với cà phê. Doanh nghiệp hiện cung cấp tới 40% sốt tiêu cho tất cả nhà hàng phục vụ thịt bò ở phương Tây. “Muốn có sốt tiêu phải chế biến rồi cất đi mất 6 tháng… Chẳng có doanh nghiệp nào ở Việt Nam làm và trên thế giới chỉ có 1-2 nhà máy”. Ông Thông nói, công ty duy trì thị trường ngách như một cách gia tăng giá trị cộng thêm cho nông sản Việt và tăng cường nhận diện thương hiệu.

"Kỳ tích khác thường" của Việt Nam và kho tàng bất tận, sinh lời cực lớn, không mỏ khoáng sản nào bằng- Ảnh 5.

Nhắc về ngành cà phê, hồ tiêu và nền nông nghiệp Việt nói chung, ông Thông gọi đó là bảo tàng, khai thác mãi mãi không bao giờ lo cạn kiệt. “Quan trọng là anh có chiến lược phát triển bền vững hay không. Nếu làm bài bản, các công ty nông nghiệp không chỉ giúp phồn vinh thêm hệ sinh thái của đất nước mà còn hái ra tiền”. Mỗi một ngành hàng như hạt điều, cà phê, hồ tiêu, lúa gạo, rau quả, thuỷ sản… đều đem về hàng tỷ USD đến hàng chục tỷ USD. “Chẳng có một mỏ khoáng sản nào có thể khai thác bất tận với giá trị sinh lời lớn như nông nghiệp. Sau đại dịch Covid-19, nông nghiệp trên toàn thế giới lên ngôi. Và Việt Nam rất cần tận dụng lợi thế này”.

"Kỳ tích khác thường" của Việt Nam và kho tàng bất tận, sinh lời cực lớn, không mỏ khoáng sản nào bằng- Ảnh 6.

"Kỳ tích khác thường" của Việt Nam và kho tàng bất tận, sinh lời cực lớn, không mỏ khoáng sản nào bằng- Ảnh 7.

Nếu cà phê được coi là “vua hạt” của năm 2024, thì sầu riêng chắc chắn là “vua quả” của năm. Trong hơn 7,2 tỷ USD mà xuất khẩu rau quả mang về cho Việt Nam trong năm qua, sầu riêng đóng góp tới 3,2 tỷ, tức là gần một nửa, trong đó, 90% là xuất sang Trung Quốc. Người Trung Quốc mê đắm sầu riêng Việt Nam, háo hức ăn thử lẩu gà sầu riêng, bánh kẹp sầu riêng, thịt nướng sầu riêng…

Theo ông Nguyễn Đình Tùng (Chủ tịch & CEO Vina T&T), việc các doanh nghiệp Việt đón đầu được cơn sốt sầu riêng của người Trung Quốc là một trong 2 lý do quan trọng giúp xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm qua lập kỷ lục, tăng trưởng 27% so với 2023. Việt Nam mở được cánh cửa xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc từ cuối 2022, chuẩn bị sẵn sàng trong năm 2023 và sang 2024 thì gặt hái thành công.

Lý do thứ hai là những mặt hàng thế mạnh khác của Việt Nam như trái dừa tiếp tục vào Mỹ, Trung Quốc… Đây là những cái mới, có lợi thế bên cạnh những mặt hàng đã “đi” lâu năm như thanh long, nhãn, bưởi, xoài… “Từ những cái đó góp phần làm bật tăng doanh thu toàn ngành, trong đó có sự đóng góp của nhiều doanh nghiệp. Vina T&T là một phần trong dòng chảy đó và chúng tôi cũng được hưởng lợi từ những cái chung”. Doanh nghiệp tăng trưởng hơn 30% so với cùng kỳ, doanh số đạt 96 triệu USD (tương đương hơn 2.000 tỷ đồng).

"Kỳ tích khác thường" của Việt Nam và kho tàng bất tận, sinh lời cực lớn, không mỏ khoáng sản nào bằng- Ảnh 8.

Ông Tùng cho biết, hiện nay mỗi tháng Vina T&T xuất khẩu khoảng 320 tấn sầu riêng, gần 500 tấn dừa. Mỗi tuần khoảng 3-4 container nhãn (mỗi container khoảng 16 tấn), 1 container thanh long trắng và 7-8 container thanh long đỏ đi đường hàng không.

Trong số các mặt hàng thế mạnh, sầu riêng đang là loại quả được quan tâm nhiều nhất. Hiện tại, Việt Nam có khoảng 154.000 ha diện tích trồng sầu riêng, với sản lượng đạt gần 1,2 triệu tấn mỗi năm, tăng trưởng trung bình 15%.

Mặc dù là loại trái cây chủ lực nhưng trên truyền thông, gần như không có một doanh nghiệp nào dám tự nhận có vùng trồng sầu riêng lớn nhất hoặc xuất khẩu doanh số đứng đầu. Ông Tùng lý giải, chúng ta buôn bán sầu riêng vẫn còn manh nha theo hình thức qua biên giới nên ít doanh nghiệp làm thống kê doanh số. Các vấn đề như mã số vùng trồng, mã số nhà máy đóng gói chưa được chú ý, thậm chí còn không muốn công khai.

Vị doanh nhân được mệnh danh là “vua xuất khẩu trái cây” tự hào: “Để làm mọi thứ minh bạch, rõ ràng và bài bản như Vina T&T là không dễ, thuộc dạng hiếm trong ngành xuất khẩu trái cây”.

Theo ông Tùng, đây là thuận lợi lớn giúp doanh nghiệp luôn tiên phong trong vấn đề mở cửa thị trường. “Ví dụ để mở cửa với một loại quả mới vào thị trường nào đó thì chúng tôi luôn là người đầu tư trước. Cụ thể, khi muốn làm mã số nhà máy đóng gói, quy trình ra sao, chúng tôi phải làm với các cơ quan Bộ Nông nghiệp và các cơ quan xuất nhập khẩu của các nước như Trung Quốc, Mỹ… sẽ tới kiểm tra trực tiếp. Khi chúng tôi đạt yêu cầu, tạo thành hồ sơ chuẩn để các doanh nghiệp khác đi theo”.

"Kỳ tích khác thường" của Việt Nam và kho tàng bất tận, sinh lời cực lớn, không mỏ khoáng sản nào bằng- Ảnh 9.

Vina T&T là một trong số các doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam được cấp mã số xuất khẩu sầu riêng. Việc dùng một mô hình đã thành công để nhân rộng là tất yếu, giúp các doanh nghiệp đi sau thực hiện nhanh nhất. Đó là việc tốt cho toàn ngành. “Nhưng tôi mong là Nhà nước sẽ có các cơ chế để bảo vệ những doanh nghiệp tiên phong như chúng tôi”.

Ông Tùng nói rằng, xuất khẩu sầu riêng đang đạt thành tựu rực rỡ nhờ sức mua lớn từ thị trường tỷ dân nước láng giềng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt vẫn tập trung ở khu vực phía Nam, chưa lên được phía Bắc và các khu Nội Mông. “Nếu xây dựng được quan hệ tốt với khách hàng, công nghệ bảo quản tốt và đẩy mạnh hàng đông lạnh, chúng ta sẽ đi được rất xa”.

Theo ông Tùng, nông dân Việt Nam rất giỏi, có thể sản xuất nhiều loại trái cây như: Dừa, sầu riêng, bưởi, nhãn, xoài, không lệ thuộc mùa vụ. Chúng ta lại có công nghệ bảo quản trái dừa, bưởi từ 60-70 ngày, trái nhãn bảo quản từ 45 ngày thì đó là những loại quả có sức cạnh tranh rất lớn trên thị trường quốc tế, có thể xuất khẩu đi khắp năm châu…

Năm 2024, Việt Nam chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu và các hàng rào kỹ thuật từ các nước nhập khẩu. “Rồi vấn đề chiến tranh Biển Đỏ, những sản phẩm bảo quản dưới 40-45 ngày thì qua tới nơi bị rủi ro rất nhiều vì tàu phải đi vòng tránh chiến tranh. Chúng tôi phải ngừng bán thanh long, xoài và chỉ bán được dừa, bưởi qua thị trường phía Đông Mỹ thôi… Ngoài ra, vấn đề ngập mặn cũng ảnh hưởng đến chất lượng dừa và bưởi… May mắn, Vina T&T vẫn làm tốt nên bù đắp được các rủi ro”.

Theo ông Tùng, mặc dù phương Tây là thị trường ở xa và nhiều thách thức, nhưng các doanh nghiệp nhất định phải vươn tới để tránh bị phụ thuộc vào một số thị trườn g quen thuộc.

Nhận định về năm 2025, “vua xuất khẩu trái cây” cho rằng, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này sẽ tăng 10% lên mức khoảng 8 tỷ USD. Cơ sở cho dự báo này là việc mở cửa nhiều thị trường mới, như trái vải vào Hàn Quốc, chanh leo vào Mỹ, sầu riêng đông lạnh vào Trung Quốc. “Như vậy bức tranh năm 2025 vẫn triển vọng và rất sáng”.

Tuy nhiên, ông Tùng cảnh báo, các doanh nghiệp cần lưu tâm và có phương án dự phòng để đối phó với các rủi ro như căng thẳng địa chính trị ở một số khu vực dẫn đến đứt gãy tuyến logistic, biến đổi khí hậu, các hàng rào về VSATTP…

"Kỳ tích khác thường" của Việt Nam và kho tàng bất tận, sinh lời cực lớn, không mỏ khoáng sản nào bằng- Ảnh 10.

"Kỳ tích khác thường" của Việt Nam và kho tàng bất tận, sinh lời cực lớn, không mỏ khoáng sản nào bằng- Ảnh 11.

Trong Top 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD của nông nghiệp Việt Nam năm 2024, tôm đứng vị trí thứ 6, thu về gần 4 tỷ USD, tăng 15 % so với 2023. Là lãnh đạo một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam, ông Hồ Quốc Lực (Chủ tịch HĐQT Sao Ta) cho rằng mức tăng này là thành quả từ nỗ lực không mệt mỏi của toàn mắt xích chuỗi giá trị con tôm.

"Kỳ tích khác thường" của Việt Nam và kho tàng bất tận, sinh lời cực lớn, không mỏ khoáng sản nào bằng- Ảnh 12.

Lĩnh vực nuôi tôm năm qua gặp nhiều khó khăn vì kết quả nuôi không như ý, lỗ nhiều. Các doanh nghiệp chế biến, nếu không có chiến lược hoạt động bài bản, không có sách lược ứng phó linh hoạt tình hình cũng bị lao đao. Tôm nuôi bị dịch bệnh thiệt hại, khiến giá tôm thương phẩm tăng cao từ giữa quý 3 khó cân đối cho các lô hàng giao cuối năm.

“Sao Ta có vùng nuôi, khá chủ động và thuận lợi nắm bắt tình tôm nguyên liệu nên đã vượt qua khó khăn. Sao Ta hay nói vui là khó khăn càng lớn thì cơ hội tốt để thể hiện bản lĩnh của mình!”, vị doanh nhân - Anh hùng Lao động nói về điều tự hào trong năm 2024. Doanh thu cả năm 2024 của Sao Ta đạt 250,86 triệu USD (tương đương khoảng 6.300 tỷ đồng), tăng 25% so với năm 2023 và vượt 19% chỉ tiêu doanh nghiệp đặt ra từ đầu năm.

Ông Lực cho rằng, ngành tôm vốn khốc liệt, trải qua nhiều cuộc khủng hoảng lớn. Vì thế, những doanh nghiệp nào còn bám trụ hầu hết là các công ty lớn, có tài chính vững và kế sách ứng phó thị trường rất linh hoạt.

"Kỳ tích khác thường" của Việt Nam và kho tàng bất tận, sinh lời cực lớn, không mỏ khoáng sản nào bằng- Ảnh 13.

Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh toàn ngành, vị doanh nhân này cho rằng nền tảng của ngành tôm chưa thật vững vàng vì các mắt xích chuỗi hoạt động chưa đồng đều, có thể dẫn đến rủi ro là một mắt xích đứt (nuôi tôm thất bại chẳng hạn), gây ảnh hưởng toàn chuỗi.

“Năm qua, doanh số và sản lượng vẫn tăng dù vùng nuôi trồng tôm gặp khó là vì hầu hết các doanh nghiệp đều lưu kho và đã bán hết sạch hàng”, ông Lực chia sẻ. Ai cũng mong muốn năm sau tốt hơn năm trước, tuy nhiên, muốn vậy cần có các yếu tố cần và đủ thì kỳ vọng mới xảy ra.

“Ngành tôm sẽ đồng hành với các ngành kinh tế khác nỗ lực tăng tốc. Tôi cho rằng, năm 2025 kim ngạch xuất khẩu tôm sẽ tiếp tục tăng trưởng hai con số. Tuy nhiên, để đạt kết quả, đó ngành tôm phải xử lý tốt một số tồn đọng như vấn đề kiểm soát con giống, thuỷ lợi và quan trắc nhiều hơn các vùng nuôi trọng điểm, chính sách thu hút đầu tư nuôi tôm quy mô trang trại hàng trăm hecta để kiểm soát chất lượng, tăng năng suất, giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh…”, Chủ tịch Sao Ta chia sẻ thêm.

"Kỳ tích khác thường" của Việt Nam và kho tàng bất tận, sinh lời cực lớn, không mỏ khoáng sản nào bằng- Ảnh 14.


Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/ky-tich-khac-thuong-cua-viet-nam-va-kho-tang-bat-tan-sinh-loi-cuc-lon-khong-mo-khoang-san-nao-bang-a111434.html