Hà Nội: Vì sao nhiều người vẫn lao xe máy lên vỉa hè, bất chấp mức phạt cao?

Nhiều người điều khiển xe máy lao lên vỉa hè giải thích, do đường tắc nên họ phải luồn lách để kịp giờ làm. Tuy nhiên, khi CSGT lập biên bản, thông báo mức xử phạt có người đã bật khóc.

Hà Nội: Vì sao nhiều người vẫn lao xe máy lên vỉa hè, bất chấp mức phạt cao?- Ảnh 1.

Tài xế xe máy đi lên vỉa hè bị tổ công tác dừng xe.

Vào giờ cao điểm buổi sáng và tan tầm buổi chiều, tuyến đường Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển (Thanh Xuân, Hà Nội) thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ kéo dài do lưu lượng phương tiện tăng cao.

Đáng chú ý, nhiều người đi xe máy thấy ùn ứ tại nút giao Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến đã đi lên vỉa hè để di chuyển được nhanh hơn. Đặc biệt, tình trạng này thường xảy ra khi không có lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.

Ghi nhận vào ngày 14/1, tại nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển, tổ công tác Đội CSGT đường bộ số 7, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội triển khai lực lượng phân luồng, điều tiết giao thông, đồng thời xử lý các hành vi vi phạm.

Trong thời gian ngắn, tổ công tác phát hiện, xử lý hàng chục trường hợp vi phạm như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, điều khiển phương tiện lên vỉa hè...

Hà Nội: Vì sao nhiều người vẫn lao xe máy lên vỉa hè, bất chấp mức phạt cao?- Ảnh 2.

Nhiều trường hợp vi phạm bị lập biên bản xử phạt.

Khi bị tổ công tác dừng xe, chị P.T.H (quê Nam Định) cho biết lý do đi lên vỉa hè do sợ muộn giờ làm. "Cô giáo đang giục gọi nên phải quay lại trường mà 8h30 tôi phải vào làm việc rồi sẽ không kịp" - chị H. nói và cho biết đây là lần đầu bản thân vi phạm giao thông.

Theo chị H. đường Nguyễn Xiển thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt là vào giờ cao điểm một phần do ý thức của một số người tham gia giao thông. "Đường tắc nên tôi phải len lỏi" - chị H. phân trần.

"Mức phạt 5 triệu đồng như hiện nay đối với người công nhân lao động như tôi là hơi cao" - chị H. bật khóc khi biết mức xử phạt đối với hành vi vi phạm của bản thân.

Hà Nội: Vì sao nhiều người vẫn lao xe máy lên vỉa hè, bất chấp mức phạt cao?- Ảnh 3.

Nhiều người đi xe máy tại nút giao trên không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông.

Tương tự, chị H.T.L (sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) điều khiển xe máy đi trên vỉa hè, bị phạt 5 triệu đồng và trừ 2 điểm GPLX.

Khi bị tổ công tác dừng xe, chị L. thừa nhận hành vi vi phạm và cam kết không tái phạm. Người phụ nữ trình bày lý do đường đông sợ trễ giờ nên đã đi lên vỉa hè.

Ngoài 2 trường hợp trên, một số tài xế bị xử phạt vì có hành vi vượt đèn đỏ. Cụ thể, anh N.V.T (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) điều khiển xe máy vượt đèn đỏ tại nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi bị xử phạt 5 triệu đồng, trừ 4 điểm GPLX.

Hà Nội: Vì sao nhiều người vẫn lao xe máy lên vỉa hè, bất chấp mức phạt cao?- Ảnh 4.

Đa phần người tham gia giao thông dừng trước vạch khi đèn tín hiệu chuyển sang màu đỏ.

Hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được thực tế

Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng, cán bộ Đội CSGT đường bộ số 7, mặc dù ý thức chấp hành luật giao thông được nâng cao, tình trạng ùn ứ tại các tuyến trọng điểm vẫn diễn ra. Nguyên nhân đến từ việc lượng phương tiện cá nhân tăng nhanh trong khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp.

Bên cạnh đó, thói quen di chuyển trong một khung giờ hoặc tuyến đường nhất định của người dân cũng là yếu tố khiến áp lực giao thông khó giảm trong ngắn hạn, chưa kể, dịp cận Tết nhu cầu đi lại tăng mạnh cũng khiến lượng phương tiện giao thông gia tăng đột biến.

"Người dân cần chủ động lộ trình, thời gian khi tham gia giao thông, tuyệt đối tuân thủ hiệu lệnh của lực lượng chức năng để bảo đảm an toàn. “Chậm để an toàn, còn hơn ân hận cả đời” là thông điệp lực lượng CSGT nhấn mạnh đến người dân, để xây dựng một môi trường giao thông văn minh, an toàn" - Thiếu tá Hùng khuyến cáo.

Từ ngày 1/1/2025, việc thực hiện Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Nghị định 168/2024/NĐ-CP đã tạo chuyển biến rõ rệt trong ý thức chấp hành của người dân. Trên địa bàn TP Hà Nội, các vi phạm phổ biến như vượt đèn đỏ, đi sai làn đường đã giảm đáng kể. Mức phạt cao và quy định trừ điểm giấy phép lái xe được xem là yếu tố răn đe hiệu quả, giúp người dân dần điều chỉnh hành vi khi tham gia giao thông.

Thời gian tới, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm nâng cao ý thức, giảm thiểu tai nạn giao thông.

Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/ha-noi-vi-sao-nhieu-nguoi-van-lao-xe-may-len-via-he-bat-chap-muc-phat-cao-a111370.html