Mỹ tăng mạnh trừng phạt nhắm vào ngành dầu mỏ, Nga đáp cứng: 'Chúng tôi đã tính hết, mọi kế hoạch tiến hành bình thường, Nga vẫn là bạn hàng tin cậy của mọi đối tác'

2 công ty dầu mỏ lớn là Gazprom Neft và Surgutneftegas, 183 tàu chở dầu, hàng chục thương nhân dầu mỏ, nhà cung cấp dịch vụ dầu mỏ, công ty bảo hiểm và quan chức liên quan đến mảng năng lượng của Nga là đối tượng bị nhắm đến trong lệnh trừng phạt mới.

Nga đã chỉ trích các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhắm vào ngành công nghiệp dầu mỏ và xuất khẩu của mình – tuyên bố sẽ duy trì như bình thường các dự án trong nước và họ vẫn là "một nhà sản xuất chủ chốt và đáng tin cậy trên thị trường nhiên liệu toàn cầu".

Tuần trước, chính quyền Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhất đối với dầu mỏ của Nga, chỉ định 2 công ty dầu mỏ lớn của Nga là Gazprom Neft và Surgutneftegas cũng như 183 tàu chở dầu, hàng chục thương nhân dầu mỏ, nhà cung cấp dịch vụ dầu mỏ, công ty bảo hiểm và quan chức liên quan đến mảng năng lượng của Nga.

Các lệnh trừng phạt mới nhất cũng cắt đứt quyền tiếp cận của Nga đối với các dịch vụ của Mỹ liên quan đến khai thác và sản xuất dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ khác.

Đáp lại lệnh trừng phạt, Bộ Ngoại giao Nga cho biết các động thái này đã được tính đến khi họ định hình chiến lược kinh tế, đối ngoại của mình. "Các dự án lớn trong nước về khai thác dầu khí, thay thế nhập khẩu, dịch vụ mỏ dầu và xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở các nước thứ 3 sẽ tiếp tục tiến triển". Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga kết luận: "Chúng tôi vẫn và sẽ tiếp tục là một nhà sản xuất chủ chốt và đáng tin cậy trên thị trường nhiên liệu toàn cầu".

Các lệnh trừng phạt mới đã bắt đầu tác động đến thị trường dầu mỏ và chiến lược mua dầu của các khách hàng lớn nhất của Nga là Trung Quốc và Ấn Độ.

Giá dầu thô tăng vọt khi lệnh trừng phạt của Mỹ được công bố. Dầu Brent đã tăng lên mức 81 Usd/thùng, cao nhất 4 tháng.

Các nhà lọc dầu Ấn Độ, vốn phụ thuộc khá lớn vào nguồn cung dầu thô giá rẻ của Nga, sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do lệnh trừng phạt mới nhất. Quốc gia này hiện phải gấp rút chuẩn bị cho sự gián đoạn lớn đối với nguồn cung dầu Nga. Đây hiện là nguồn dầu thô lớn nhát cho quốc gia này.

Ngoài Ấn Độ, Trung Quốc có thể cũng mất 1 phần nguồn cung dầu thô giá rẻ từ Nga, các nhà phân tích cho biết.

"Khi nói đến người mua, Trung Quốc và Ấn Độ nói chung có xu hướng tránh giao dịch trực tiếp với các tàu chở dầu và các thực thể nằm trong diện trừng phạt của Mỹ", Matt Wright, nhà phân tích vận tải hàng hóa hàng đầu tại Kpler cho biết.

Các tàu chở dầu vừa bị trừng phạt đã xử lý khoảng 42% tổng lượng dầu thô xuất khẩu qua đường biển của Nga. Hơn một nửa lượng này được vận chuyển đến Trung Quốc, chiếm khoảng 61% lượng dầu nhập khẩu qua đường biển của Trung Quốc từ Nga.

Trong khi đó, phần lớn lượng dầu xuất khẩu còn lại được chuyển đến Ấn Độ, đóng góp 1/3 tổng lượng dầu nhập khẩu từ Nga của quốc gia Nam Á, theo Kpler.

Wright cũng dự đoán các lệnh trừng phạt mới có thể đẩy giá dầu thô của Nga tại Trung Quốc và Ấn Độ tăng cao trong ngắn hạn, có khả năng đạt mức ngang bằng với các loại dầu không bị trừng phạt có chất lượng tương tự.

Ấn Độ và Trung Quốc đã bắt đầu mua nhiều dầu hơn từ các nguồn ngoài Nga và Iran, trong bối cảnh lệnh trừng phạt của Mỹ với Nga được thắt chặt và lệnh hạn chế xuất khẩu dầu của Iran dự kiến được chính quyền ông Trump sắp nhậm chức thực hiện.

Một thương nhân tại Singapore nói với Reuters rằng các tàu chở dầu mới bị trừng phạt ước tính vận chuyển gần 900.000 thùng dầu thô/ngày từ Nga đến Trung Quốc trong năm qua, đồng thời nói thêm rằng nguồn cung này "sẽ giảm mạnh".


Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/my-tang-manh-trung-phat-nham-vao-nganh-dau-mo-nga-dap-cung-chung-toi-da-tinh-het-moi-ke-hoach-tien-hanh-binh-thuong-nga-van-la-ban-hang-tin-cay-cua-moi-doi-tac-a111292.html