Thúc đẩy du lịch từ ngành Đường sắt Việt Nam

Năm 2024, Đường sắt Việt Nam đã đưa vào khai thác những chuyến tàu có tính chuyên biệt mang dấu ấn văn hóa vùng miền và nhận được sự quan tâm của nhân dân và du khách.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025.

Theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, năm 2024, với sự quyết tâm, nỗ lực của toàn công ty; tư duy đổi mới, sáng tạo của cán bộ; sự quan tâm, giúp đỡ chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các Bộ, ban, ngành, địa phương liên quan, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực, duy trì đà tăng trưởng, các chỉ tiêu sản lượng, doanh thu, lợi nhuận đều vượt kế hoạch.

Trong đó, doanh thu hợp nhất ước đạt gần 9,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,8% so với kế hoạch năm và 7,9% so với năm 2023; lợi nhuận sau thuế ước đạt trên 220 tỷ đồng (lợi nhuận Tổng công ty ước đạt 6 tỷ đồng). Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và ban hành Nghị quyết số 172/2024/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, tạo nên dấu mốc lịch sử, khẳng định vị trí, tầm quan trọng của giao thông vận tải đường sắt trong sự phát triển của đất nước.

Thúc đẩy du lịch từ ngành Đường sắt Việt Nam- Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh TITC)

Trong hoạt động hợp tác phát triển du lịch, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã đưa vào khai thác những đôi tàu có tính chuyên biệt mang dấu ấn văn hóa vùng miền và nhận được sự quan tâm, ủng hộ của nhân dân và hành khách đi tàu. Tiêu biểu như chuyến tàu "Kết nối di sản miền Trung" kết nối Huế - Đà Nẵng (được Sở Du lịch TP. Huế vinh danh dẫn đầu bình chọn cho hạng mục "hoạt động - dịch vụ trải nghiệm ấn tượng" thuộc chương trình "Top 9 sản phẩm du lịch ấn tượng Huế 2024"); đoàn tàu du lịch "Hành trình tàu đêm Đà Lạt"; các đoàn tàu thuê bao nguyên đoàn (charter) với hành trình và các dịch vụ theo yêu cầu của bên đặt hàng; phối hợp với PYS Travel đưa vào khai thác đoàn tàu hạng sang mang tên Sjourney được kỳ vọng tạo nên một biểu tượng mới cho du lịch cao cấp gắn với đường sắt tại Việt Nam.

Thúc đẩy du lịch từ ngành Đường sắt Việt Nam- Ảnh 2.

Ngắm cảnh từ những ô cửa trên tàu. (Nguồn: Đường sắt Việt Nam)

Đặc biệt, ngày 09/7/2024, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã ký kết ghi nhớ hợp tác nhằm xúc tiến, thúc đẩy các hoạt động du lịch đường sắt giai đoạn 2024-2030. Theo đó, hai bên sẽ phối hợp truyền thông, quảng bá các điểm đến du lịch Việt Nam và hình ảnh của đường sắt Việt Nam thông qua các trang web và các mạng xã hội của hai bên. Hỗ trợ tổ chức các hội chợ du lịch, hội thảo thương mại - du lịch, famtrip, presstrip, các sự kiện đón khách du lịch đầu năm, lễ hội văn hóa, du lịch, ẩm thực tại các địa phương…

Thúc đẩy du lịch từ ngành Đường sắt Việt Nam- Ảnh 3.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam ký kết ghi nhớ hợp tác xúc tiến, thúc đẩy các hoạt động du lịch đường sắt giai đoạn 2024-2030. (Ảnh TITC)

Hai bên cũng sẽ hợp tác trong công tác chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và trải nghiệm của khách du lịch bằng đường sắt; hợp tác trong xúc tiến, thúc đẩy các hoạt động du lịch bằng đường sắt và xây dựng các chương trình kích cầu thu hút khách du lịch bằng đường sắt; hợp tác xây dựng các chương trình kích cầu du lịch đường sắt; kết nối các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tham gia chương trình hợp tác kích cầu du lịch bằng đường sắt, tạo các sản phẩm du lịch mới gắn với đường sắt…

Ngoài ra, các đơn vị của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng phối hợp Sở quản lý du lịch các địa phương Ninh Bình, Hải Phòng, Lâm Đồng, Thái Nguyên triển khai kế hoạch quảng bá, phát triển du lịch đường sắt giai đoạn 2024 - 2026.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã và đang từng bước đầu tư chỉnh trang nội ngoại thất các nhà ga hành khách lớn; triển khai các hoạt động thương mại, dịch vụ mới với mục tiêu xây dựng mỗi ga thành một điểm đến, tạo sự thu hút khách du lịch và người dân khi đến với nhà ga. Các dịch vụ nổi bật như: dịch vụ phòng chờ VIP cho khách đi tàu (các ga Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn); thương hiệu Cafe hỏa xa (tại các ga Long Biên và Hải Dương); ga Đà Lạt trở thành điểm đến tham quan du lịch đa trải nghiệm về ẩm thực, văn hóa, nghệ thuật và Tổng công ty đã tổ chức đêm nhạc tại Ga Đà Lạt. Phong trào "Đường tàu - đường hoa" tiếp tục được nhân rộng, từ khi phát động phong trào tháng 3/2023 đến nay, Tổng công ty đã phối hợp với các địa phương trồng hoa tại 272 khu ga với hơn 163 km chiều dài dọc hai bên đường sắt.

Thúc đẩy du lịch từ ngành Đường sắt Việt Nam- Ảnh 4.

Đại diện Bộ Công an trao Bằng khen cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vì có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. (Ảnh TITC)

Năm 2025, Tổng công ty sẽ duy trì sự đa dạng hóa về sản phẩm dịch vụ, tích cực làm việc với các địa phương đưa ra nhiều sản phẩm du lịch mới. Tập trung nâng cao, gắn kết đồng bộ chất lượng sản phẩm dịch vụ trên tàu dưới ga; tăng cường hoạt động truyền thông, quảng cáo về sản phẩm dịch vụ để cải thiện hình ảnh, đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/thuc-day-du-lich-tu-nganh-duong-sat-viet-nam-a110766.html