Tháng sau, tuyến đường sắt chiến lược kết nối Việt - Trung 211.000 tỷ đồng sẽ có bước ngoặt mới?

Kỳ họp bất thường của Quốc hội vào tháng sau sẽ xem xét tờ trình về dự án này.

211.000 tỷ đồng xây tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng

Ban Quản lý dự án đường sắt mới đây đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét và lấy ý kiến từ các cơ quan liên quan về kế hoạch đầu tư cho dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Theo đề xuất, dự án này khởi đầu từ khu vực nối đường ray giữa ga Lào Cai của Việt Nam và ga Hà Khẩu Bắc ở Trung Quốc, kết thúc ở cảng Lạch Huyện thuộc Hải Phòng. 

Tổng chiều dài của tuyến là 388 km, trong đó có đoạn từ ga Lào Cai đến cảng Lạch Huyện dài 383 km và đoạn từ ga Lào Cai đến điểm nối ray kéo dài 5,1 km; ngoài ra còn có tuyến nhánh từ cảng Nam Hải Phòng đến Nam Đình Vũ dài 7,8 km và tuyến nhánh nối ga Yên Thường với ga Yên Viên dài 2,1 km.

Dọc theo tuyến đường sẽ có 30 ga bao gồm 3 ga lập tàu, 19 ga hỗn hợp và 8 ga kỹ thuật, đi qua 9 địa phương là Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.

Tốc độ thiết kế của tuyến đường sắt này là 160 km/h cho đoạn chính từ ga Lào Cai đến ga cảng Lạch Huyện, 80 km/h đối với đoạn từ ga Lào Cai và các tuyến nhánh, và 120 km/h cho đoạn chạy qua Hà Nội, nơi tuyến đường này chạy song song với đường sắt vành đai phía Đông của thành phố.

Tháng sau, tuyến đường sắt chiến lược kết nối Việt - Trung 211.000 tỷ đồng sẽ có bước ngoặt mới?- Ảnh 1.

Tháng sau, tuyến đường sắt chiến lược kết nối Việt - Trung 211.000 tỷ đồng sẽ có bước ngoặt mới?- Ảnh 2.

Tháng sau, tuyến đường sắt chiến lược kết nối Việt - Trung 211.000 tỷ đồng sẽ có bước ngoặt mới?- Ảnh 3.

Tháng sau, tuyến đường sắt chiến lược kết nối Việt - Trung 211.000 tỷ đồng sẽ có bước ngoặt mới?- Ảnh 4.

Ảnh minh họa đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng tương lai.

Để đảm bảo tính hiệu quả của dự án, Ban Quản lý dự kiến tiến hành đầu tư theo hai giai đoạn. Giai đoạn đầu, từ bây giờ cho đến năm 2030, sẽ xây dựng đường đơn toàn tuyến từ Lào Cai đến Hà Nội và Hải Phòng, cùng với việc giải phóng mặt bằng. Giai đoạn sau năm 2050 sẽ tiếp tục xây dựng đoạn đường đôi và hoàn thành đoạn tuyến nhánh từ Nam Hải Phòng đến Nam Đình Vũ.

Tổng kinh phí dự kiến cho dự án là khoảng 211.030 tỷ đồng, bao gồm 135.600 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi để phục vụ xây dựng, mua sắm thiết bị và phương tiện, thuê tư vấn thiết kế, giám sát thi công, chi phí dự phòng, cùng khoảng 75.430 tỷ đồng từ nguồn vốn đối ứng của Chính phủ, dùng cho việc quản lý dự án, thuế giá trị gia tăng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư và lãi vay.

Tuyến sẽ kết nối với cảng biển quốc tế Hải Phòng, kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc, đáp ứng nhu cầu vận tải với chất lượng cao, nhanh chóng, thuận tiện và an toàn.

Dự kiến trình dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng tại kỳ họp bất thường

Tại phiên họp 41 mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến việc chuẩn bị kỳ họp bất thường thứ 9, Quốc hội khóa XV, dự kiến khai mạc cuối tháng 2 tới.

Báo cáo việc chuẩn bị kỳ họp bất thường thứ 9, Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tập trung xem xét, thông qua đối với 7 nội dung cấp thiết để triển khai, thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.

Tháng sau, tuyến đường sắt chiến lược kết nối Việt - Trung 211.000 tỷ đồng sẽ có bước ngoặt mới?- Ảnh 5.

Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Ngoài 7 nội dung trên, Chính phủ cũng đề xuất 3 nội dung khác, bao gồm dự án luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Trước đó, chiều ngày 22/12/2024, trong chương trình công tác tại Lào Cai, Thủ tướng Chính phủ đã khảo sát phương án xây dựng, hướng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng kết nối Việt Nam với Trung Quốc.

Tháng sau, tuyến đường sắt chiến lược kết nối Việt - Trung 211.000 tỷ đồng sẽ có bước ngoặt mới?- Ảnh 6.

Thủ tướng khảo sát phương án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT và các bộ, cơ quan liên quan đẩy nhanh hơn nữa tiến độ chuẩn bị trình dự án, trong tháng 1/2025 phải trình Chính phủ để trong tháng 2/2025 trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án và các cơ chế, chính sách đặc thù, chậm nhất trong 12/2025 phải khởi công tuyến đường sắt này.

Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được lãnh đạo hai nước Việt Nam và Trung Quốc vô cùng quan tâm, là dự án chiến lược được ưu tiên đầu tư.


 

Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/thang-sau-tuyen-duong-sat-chien-luoc-ket-noi-viet-trung-211000-ty-dong-se-co-buoc-ngoat-moi-a110631.html