Những năm trước, cứ sát kỳ thi lại tái diễn cảnh
Năm 2025 là năm đầu tiên, đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa, chấm dứt được tình trạng đồn đoán đề thi.
Tháng 10/2024, Bộ GD&ĐT công bố đề minh họa môn Ngữ văn đã không còn bóng dáng của ngữ liệu trong sách giáo khoa. Cụ thể, đề vẫn có cấu trúc 2 phần là Đọc hiểu (4 điểm) và Viết (6 điểm). Trong đó, ở phần I, đề cho đoạn trích trong tác phẩm thơ khá dài với 5 câu hỏi nâng dần độ khó yêu cầu thí sinh trả lời.
Ở phần Viết 6 điểm được chia làm 2 câu viết đoạn văn nghị luận và bài văn nghị luận về 2 nội dung khác nhau. Câu chiếm 4 điểm đưa ra một vấn đề vừa mới mẻ vừa thời sự đó là: “Nhiều người hào hứng đón nhận lợi ích của trí tuệ nhân tạo nhưng không ít người lo lắng về sự phụ thuộc của con người vào đó”. Từ đó, yêu cầu thí sinh viết bài văn nghị luận.
Học sinh choáng ngợp, viết ngô nghê
Sau nhiều ý kiến về vấn nạn văn mẫu, học sinh học và thi như vẹt vì chỉ cần đọc - chép thì đổi mới đề thi Ngữ văn được nhiều người kỳ vọng sẽ thay đổi cách học, viết văn của các thế hệ học sinh.
Một số học sinh lớp 12 năm nay cũng chia sẻ sự thích thú khi được viết văn một cách sáng tạo, ngữ liệu mới mẻ, có thể gắn liền với các vấn đề thời sự mới nóng của xã hội thay vì đi theo lối mòn của các tác phẩm trong sách giáo khoa. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, đổi mới đề thi Ngữ văn năm đầu tiên khiến học sinh gặp khó khăn, thách thức không nhỏ.
Em Hạnh An, học sinh lớp 12, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), thành viên đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn của Hà Nội năm nay cho rằng, em được thầy cô giáo ôn luyện nhiều nên dần dần đã hình thành kỹ năng đọc hiểu, phân tích các đoạn trích, tác phẩm mới. Tuy nhiên, ngữ liệu ngoài sách giáo khoa vô cùng rộng lớn, đọc hoài, đọc mãi không cạn nên học sinh luôn phải ở tâm thế có thể tiếp nhận một tác phẩm lần đầu được biết. Do đó, theo nữ sinh này, với số đông, việc phân tích ngữ liệu hoàn toàn mới sẽ là một thách thức.
An kể, có lần em tham gia một kỳ thi học sinh giỏi và cũng có phút bối rối khi phải dành rất nhiều thời gian để đọc và thẩm thấu đề. “Với một bài Ngữ văn hay, người viết phải chú ý, đi sâu vào chi tiết và điều đó mới ăn điểm cũng như phân hóa thí sinh. Tuy nhiên, để làm được như vậy đòi hỏi phải có thời gian để thí sinh hiểu và cảm nhận. Với ngữ liệu hoàn toàn mới, lại trói buộc trong giới hạn thời gian làm bài thi, việc cảm thụ bắt buộc phải trở thành kỹ năng chứ không phải cảm xúc”, Hạnh An nói.
Cô Nguyễn Thị Thu Hà, Trường THPT Tử Đà (Phú Thọ) cho biết, với lứa học sinh dự thi tốt nghiệp năm nay, ngay từ lớp 10 đã được giáo viên dạy theo chương trình mới, rèn kỹ năng tiếp cận văn bản, phân tích, bình luận. Đến thời điểm này, học sinh đã dần quen với định dạng đề thi mới tuy nhiên, vẫn còn những thách thức. Ngoài học sinh có năng lực tốt, có thể nắm bắt nội dung nhanh nhạy còn có một số học sinh gặp khó khăn. Thậm chí, cũng có một số em hiểu sai dẫn đến viết sai, viết ngô nghê.
Tương tự, thầy Nguyễn Xuân Hảo, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cũng phân tích, học sinh thi tốt nghiệp năm nay chỉ có 3 năm THPT học theo chương trình mới với yêu cầu rèn kỹ năng, hình thành năng lực mới. Trong khi đó, các em có cả quá trình dài, 5 năm bậc tiểu học, 4 năm bậc THCS học và làm văn lệ thuộc văn mẫu, bám sát các tác phẩm trong sách giáo khoa.
Trước đây, học sinh chỉ cần chăm chỉ nghe giảng, thậm chí đọc thuộc nội dung cốt lõi, tư tưởng, bài phân tích của thầy cô giáo và khi dự thi chép lại nội dung đã “có điểm” thì nay các em chỉ có kỹ năng làm vốn. Giáo viên dạy cho học sinh phương pháp, kỹ năng của từng thể loại thay vì phân tích sâu, kỹ từng ngóc ngách của tác phẩm như trước đây.
“Do đó, khi gặp ngữ liệu mới, khó nhiều em vẫn choáng ngợp, không hiểu sâu để phân tích sâu sắc các khía cạnh của vấn đề”, thầy Hảo nói.
Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/doi-moi-thi-tot-nghiep-thpt-2025-hoc-sinh-choang-boi-ngu-lieu-moi-trong-de-thi-a109921.html