Về phường Hoàng Lâm, Tp.Thủy Nguyên trực thuộc Tp.Hải Phòng, khách phương xa không khỏi thắc mắc về đài tưởng niệm 4 mặt được xây dựng giữa hồ nhỏ, mặt chính khắc dòng chữ "Đời đời ghi sâu căm thù đế quốc", mặt sau khắc số 108.
Người dân địa phương cho biết, hồ có nhiều tên gọi, như: hồ "căm thù", hồ 108 hay hồ Lâm liên quan đến sự kiện kinh hoàng xảy ra trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Đó là vụ thảm sát do kẻ thù gây ra với mức độ tàn ác không kém gì so với vụ thảm sát Mỹ Lai.
Theo các tư liệu lịch sử, xã Hoàng Hoa thuộc huyện Thủy Nguyên, Tp.Hải Phòng, được thành lập sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Khi đó, xã Hoàng Hoa rất rộng, gồm 3 xã Hoa Động, Hoàng Động, Lâm Động.
Khi huyện Thủy Nguyên lên thành phố trực thuộc Tp.Hải Phòng kể từ ngày 1/1/2025, xã Hoa Động trở thành phường Hoa Động. Hai xã Hoàng Động và Lâm Động trở thành phường Hoàng Lâm (cùng trực thuộc Tp.Thủy Nguyên).
Do xã Hoàng Hoa nằm ngay bên bờ sông Cấm đối diện với trung tâm Tp.Hải Phòng, nên thực dân Pháp thường xuyên dòm ngó để chiếm đóng làm bàn đạp tấn công vào trung tâm thành phố.
Tháng 2/1947, thực dân Pháp vượt sông đánh chiếm huyện Thủy Nguyên. Chúng lập tề, lùng sục bắn giết cán bộ, dân quân du kích. Chính quyền của ta lúc ấy do còn non trẻ, lực lượng lại yếu, nên rút vào hoạt động bí mật, hoặc chuyển cơ sở về vùng núi non hiểm trở, thậm chí tới tận vùng Kinh Môn (tỉnh Hải Dương).
Theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 25/10/1948, Ban chấp hành Đảng bộ huyện Thủy Nguyên họp phát động phong trào phá tề, trừ gian với chỉ thị: "Tiến công đồn giặc, trừ gian diệt ác, phát động chiến tranh du kích".
Thực hiện chỉ đạo, lực lượng du kích xã Hoàng Hoa được bí mật thành lập. Sau đó, cùng với các lực lượng du kích trong huyện Thủy Nguyên phối hợp tổ chức một số trận đánh tấn công bốt địch.
Để trấn áp lực lượng du kích của ta, trong 2 đêm 30 và 31/10/1948, giặc Pháp tổ chức càn quét. Sau khi đánh lui lực lượng du kích, chúng đã điên cuồng cướp phá, đốt sạch nhà cửa ở khắp nơi, trong đó có xã Hoàng Hoa.
Để tiêu diệt lực lượng du kích ở xã Hoàng Hoa, đầu tháng 2/1949, thực dân Pháp cho 800 lính Âu - Phi được trang bị vũ khí tối tân bao vây, tấn công. Đi đến đâu, chúng cướp của, đốt nhà, giết người đến đó mà không cần lý do. Đặc biệt, lính Pháp bắt 109 người trong xã Hoàng Hoa rồi tập trung lại yêu cầu khai ra nơi giấu vũ khí và bộ đội của ta.
Trước họng súng và lưỡi lê của kẻ thù, những người bị bắt dù bị tra tấn dã man, nhưng không ai khai ra nửa lời. Trong 2 ngày 13 và 14/2/1949, lính Pháp giết hại tất cả rồi vứt xác xuống hồ Lâm. Trong số 109 người, chỉ có duy nhất ông Nguyễn Văn Kiểm, sinh năm 1931, còn sống sót.
Sau này, đài tưởng niệm vụ thảm sát kinh hoàng kể trên được dựng tại hồ Lâm. Vì thế, người dân địa phương gọi hồ là hồ "căm thù" hay hồ 108 để tưởng nhớ những nạn nhân đã bị kè thù sát hại.
Ngày 25/10/1948 đã được huyện Thủy Nguyên (nay là Tp.Thủy Nguyên trực thuộc Tp.Hải Phòng) chọn là ngày truyền thống "Thủy Nguyên quật khởi". Di tích vụ thảm sát 108 người ở xã Hoàng Hoa trở thành "địa chỉ đỏ" giáo dục tinh thần yêu nước của địa phương.
Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/hai-phong-di-tich-ghi-dau-vu-tham-sat-108-nguoi-cua-thuc-dan-phap-a109904.html