Trước đó, ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Trong Nghị quyết của Quốc hội có nêu rõ, Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội.
Quyết định này nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là thanh, thiếu niên, đồng thời minh chứng rằng tiếng nói của trẻ em đã được lắng nghe, nguyện vọng chính đáng của các em về môi trường không khói thuốc đang thành hiện thực.
Theo Bộ Y tế, trên cơ sở liên quan đến tác hại của các loại thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đã có rất nhiều báo cáo khoa học cho thấy, các loại thuốc lá mới ảnh hưởng nguy hiểm tới sức khoẻ của con người. Trong năm 2023, có 1.234 người điều trị về tim, gan, loạn thần do liên quan tới thuốc lá mới. Trong mỗi năm có khoảng 40.000 người/năm mắc bệnh và ảnh hưởng tới sức khỏe do thuốc lá.
Trong suốt nhiều năm qua, thuốc lá đã trở thành một trong những nguyên nhân chính gây các bệnh không lây nhiễm như ung thư phổi, tim mạch, đột quỵ và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.
Theo tổ chức Y tế thế giới, thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong cho hơn 8 triệu người mỗi năm trên toàn cầu, đặc biệt không có bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nong ít hại hơn thuốc lá điếu. Thuốc lá thế hệ mới đều chứa nicotine gây nghiện và có hại, đặc biệt với não bộ trẻ em. Một số sản phẩm thuốc lá điện tử còn chứa các chất độc hại cao hơn thuốc lá điếu thông thường.
Người bệnh được chi trả tiền thuốc khi bệnh viện thiếu thuốc
Một trong những quy định cũng bắt đầu có hiệu lực là chi trả trực tiếp chi phí thuốc, vật tư cho người bệnh trong trường hợp cơ sở y tế thiếu thuốc, vật tư.
Cụ thể, trường hợp bác sĩ kê đơn thuốc, vật tư nằm trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả nhưng thời điểm đó bệnh viện không có thuốc, bệnh nhân phải mua thuốc ngoài thì Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ hoàn tiền cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, để được chi trả trực tiếp phải đáp ứng các quy định như: tại thời điểm kê thuốc, chỉ định sử dụng thiết bị y tế mà không có thuốc, thiết bị y tế đấu thầu, mua sắm không lựa chọn được nhà thầu; cơ sở y tế không có thuốc thay thế; không chuyển người bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh khác khi tình trạng sức khỏe của người bệnh không đủ điều kiện để chuyển tuyến…
Theo đó, Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ thanh toán trực tiếp cho người bệnh theo số lượng và đơn giá được ghi trên hóa đơn do người bệnh mua tại cơ sở kinh doanh dược.
Để được chi trả, người dân cần chuẩn bị hồ sơ, thủ tục thanh toán trực tiếp gồm các giấy tờ là bản chụp (kèm theo bản gốc để đối chiếu) gồm: thẻ BHYT, giấy chứng minh nhân thân; giấy ra viện, phiếu khám bệnh hoặc sổ khám bệnh; hóa đơn và các chứng từ có liên quan.
Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, thanh toán trực tiếp cho người bệnh bằng với chi phí đã mua trong vòng 40 ngày. Trường hợp không thanh toán phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Bệnh hiểm nghèo được lên thẳng tuyến trên, không cần giấy chuyển viện
Cũng từ 1/1/2025, một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo… được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu mà không cần giấy chuyển tuyến.
Người bệnh đã được chẩn đoán xác định mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần sử dụng kỹ thuật cao nằm trong danh mục của Bộ Y tế ban hành có thể đến trực tiếp cấp chuyên sâu, không cần xin giấy chuyển viện như trước.
Danh mục bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo do Bộ Y tế ban hành, bao gồm 42 bệnh, nhóm bệnh, trong đó có những bệnh lý nghiêm trọng như: ung thư, nhồi máu cơ tim lần đầu, phẫu thuật động mạch vành, phẫu thuật động mạch chủ, hôn mê, mù 2 mắt, bệnh cơ tim, mất 2 chi, hôn mê, mất thính lực, bại liệt, lupus ban đỏ, ghép tạng, bỏng nặng, bệnh xơ cứng rải rác, phẫu thuật thay van tim, đột quỵ, bệnh Alzheimer, sa sút trí tuệ, suy thận, thương tật vĩnh viễn...
Việc bỏ giấy chuyển tuyến đối với những đối tượng này sẽ giúp người bệnh thuận tiện trong quá trình điều trị, không phải xin giấy chuyển viện hàng năm, vì cứ 31/12 hàng năm là hết hạn giấy chuyển tuyến được BHYT chi trả, người bệnh buộc phải làm thủ tục xin chuyển tuyến, gây mất thời gian và chi phí điều trị của người bệnh.
Hiện, Bộ Y tế đang thực hiện tích hợp giấy chuyển tuyến trên điện tử để giảm thủ tục hành chính cho người bệnh.
Không phân danh mục thuốc theo hạng bệnh viện
Từ ngày 1/1/2025, Bộ Y tế cũng bãi bỏ việc phân chia danh mục thuốc được BHYT chi trả theo hạng bệnh viện. Khi đó, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được sử dụng toàn bộ các thuốc trong danh mục, phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, không phân biệt hạng bệnh viện hay cấp chuyên môn kỹ thuật.
HM
Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/chinh-thuc-cam-kinh-doanh-van-chuyen-su-dung-cac-loai-thuoc-la-moi-a109869.html