Xu hướng du lịch xanh
Năm 2024 khép lại với những dấu ấn rực rỡ của ngành du lịch Việt Nam. Cả nước đã đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 39% so với năm 2023, mang về tổng doanh thu 850.000 tỷ đồng, tăng 23,8%.
Không chỉ vậy, du lịch nội địa cũng đạt con số kỷ lục 110 triệu lượt khách. Những thành tựu này không chỉ phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng du lịch xanh đang lên ngôi.
Theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, mục tiêu trọng tâm là xây dựng một ngành du lịch bền vững, bao trùm và dựa trên nền tảng tăng trưởng xanh. Cùng với xu hướng toàn cầu, du lịch xanh đã trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Tại Việt Nam, nhiều địa phương và điểm đến đã nhanh chóng nắm bắt xu hướng này, tiên phong triển khai các mô hình du lịch xanh, tạo dấu ấn mạnh mẽ trên bản đồ du lịch quốc tế.
Tiêu biểu phải nói tới Hội An - điểm đến từ rất sớm đã kêu gọi cộng đồng, du khách bảo vệ môi trường, hướng tới du lịch xanh. Từ năm 2017, thành phố này đã giới thiệu tour chèo thuyền kayak kết hợp vớt rác trên sông Hoài, một hoạt động vừa mang tính giải trí vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Với chi phí chỉ 10 USD/người, du khách không chỉ được trải nghiệm chèo thuyền suốt 4 giờ đồng hồ mà còn tham gia trực tiếp vào việc làm sạch dòng sông. Ban đầu, nhiều người tham gia vì tò mò, nhưng sau đó họ thực sự hào hứng với ý nghĩa tích cực mà hoạt động này mang lại.
Hội An cũng tiên phong trong việc giảm thiểu rác thải nhựa. Một nhà hàng tại đây đã tái chế 300 lít dầu ăn đã qua sử dụng thành xà phòng nhà bếp trong vòng 5 năm, thay vì thải ra môi trường. Thành phố đặt mục tiêu giảm 13-15% rác thải nhựa mỗi năm, hướng tới loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa dùng một lần vào năm 2025.
Hay tại huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) cũng ghi dấu ấn với những sáng kiến xanh độc đáo. Quy định thí điểm yêu cầu du khách không mang chai nhựa, túi ni-lông và các vật liệu gây ô nhiễm môi trường đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ cộng đồng và du khách.
Các doanh nghiệp du lịch trên đảo cũng chuyển đổi sang mô hình tiết kiệm năng lượng, nước và tập trung vào tái chế để giảm rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường biển.
Không chỉ Hội An hay Cô Tô, nhiều địa phương khác trên cả nước cũng đã áp dụng các mô hình du lịch thông minh, sáng tạo và bền vững. Hà Nội với chiến dịch “Đến để yêu” hay Đà Nẵng với thông điệp “Khơi nguồn hạnh phúc” đã tạo nên những sản phẩm du lịch xanh đầy ấn tượng.
Xanh hóa loại hình du lịch
Hòa nhịp cùng làn sóng du lịch xanh, các doanh nghiệp lữ hành cũng đã thiết kế những sản phẩm tour mang đậm tinh thần bảo vệ môi trường. Không chỉ dừng lại ở việc khám phá cảnh sắc thiên nhiên, các hành trình này còn khéo léo lồng ghép những hoạt động ý nghĩa, khuyến khích du khách tham gia vào bảo vệ hệ sinh thái và lan tỏa thông điệp du lịch có trách nhiệm.
Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh - Giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel chia sẻ rằng, đơn vị đã và đang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch gắn liền với việc bảo tồn thiên nhiên, gìn giữ văn hóa địa phương.
“Chúng tôi đặc biệt chú trọng đến các tour sinh thái, trekking và khám phá thiên nhiên – những sản phẩm không chỉ mang đến trải nghiệm độc đáo mà còn giúp du khách hiểu rõ hơn về giá trị của việc bảo vệ môi trường.
Mỗi bước chân của du khách trên hành trình này đều có thể góp phần lan tỏa thông điệp bảo tồn thiên nhiên và xây dựng ý thức du lịch có trách nhiệm”, bà Khanh nhấn mạnh.
Tương tự, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cũng đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch xanh ở tất cả các mảng kinh doanh. Đây là chiến lược phù hợp với xu thế toàn cầu, đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách về chất lượng dịch vụ xanh.
“Trong những năm qua, Lữ hành Saigontourist đã không ngừng nỗ lực thực hiện các hoạt động xanh – bền vững và nhận được sự đánh giá cao từ du khách lẫn cộng đồng.
Có thể kể đến như chung tay trồng cây cóc trắng tại xã Long Hòa, Cần Giờ; trồng cây thông ở huyện Lạc Dương, Đà Lạt,... Đặc biệt, từ đầu năm 2024, chúng tôi đã khởi động chiến dịch "Mua 1 tour - Góp 1 cây xanh - Có cây là có rừng". Với mỗi tour được đặt, du khách sẽ đóng góp thêm một cây xanh vào chương trình trồng cây "Sống xanh – Du lịch xanh" của công ty”, đại diện Lữ hành Saigontourist chia sẻ.
Không chỉ dừng lại ở các tour, nhiều khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam đã triển khai các chính sách giảm thiểu rác thải nhựa. Chai nước thủy tinh, sản phẩm tái sử dụng, và các hoạt động tái chế được áp dụng rộng rãi, tạo nên những điểm đến thân thiện với môi trường.
Ông Vũ Văn Tuyên - Phó Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, nhận định rằng phát triển du lịch xanh và tăng trưởng xanh, hướng tới mục tiêu bền vững, không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là cơ hội lớn cho du lịch Việt Nam.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh đây là một thách thức đòi hỏi sự đổi mới trong tư duy và hành động để biến tiềm năng thành hiện thực.
“Để tạo ra một sản phẩm du lịch xanh đúng nghĩa, theo tôi, cần hội tụ năm yếu tố quan trọng. Đầu tiên, sản phẩm phải thân thiện với môi trường, từ quy trình vận hành đến trải nghiệm của du khách. Tiếp đó, phải đảm bảo an sinh xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng địa phương.
Cuối cùng, phải duy trì tính an dân, nghĩa là tránh gây ra xung đột hoặc mâu thuẫn trong cộng đồng làm du lịch. Ngoài ra, các yếu tố giáo dục ý thức bảo vệ môi trường và khuyến khích tương tác giữa du khách và người dân cũng rất quan trọng”, ông Tuyên chia sẻ.
Ông cũng cho biết, bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm, Việt Nam cần tập trung phát triển các dòng sản phẩm gắn liền với thiên nhiên – những loại hình đang thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của du khách sau đại dịch.
“Các sản phẩm như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp và du lịch cộng đồng không chỉ đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành”, ông Tuyên kết luận.
Kim Thoa
Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/tung-buoc-dua-du-lich-xanh-vao-cuoc-song-a109838.html