Sai lầm của phụ huynh khi trẻ mắc sởi, chuyên gia khuyên nên tránh

Theo BS.Trương Hữu Khanh, khi trẻ bị sởi phụ huynh cần vệ sinh cá nhân, vệ sinh răng miệng cho trẻ và theo dõi biến chứng.

Nên tắm khi trẻ bị sởi?

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong năm 2024, số ca mắc sởi của cả nước tăng nhanh so với năm trước. Trong đó, số ca sốt phát ban nghi sởi là 38.364 (tăng hơn 94 lần so với năm 2023), số ca dương tính với sởi là 6.725 ca (tăng hơn 130 lần so với năm 2023).

Các tỉnh, thành phố có số ca mắc cao như: Đồng Nai (6.360 ca), Tp.Hồ Chí Minh (4.758 ca), Bình Dương (4.745 ca), Cà Mau (2.405 ca)… Đến nay, cả nước đã ghi nhận 13 ca tử vong do sởi, trong đó chủ yếu là trẻ em do bệnh chồng bệnh, người già có bệnh nền.

Tại Tp.Hồ Chí Minh - địa phương đầu tiên công bố dịch sởi vào tháng 8/2024, khi chỉ trong 3 tháng (từ tháng 5-8/2024), các bệnh viện đã ghi nhận khoảng 600 ca sốt phát ban nghi sởi, xét nghiệm phát hiện hơn 300 ca dương tính. Hơn 50% là bệnh nhân ở tỉnh, thành phố khác đến thành phố khám và điều trị.

Trong thời gian này, 3 trẻ bệnh sởi tử vong, đều mắc những bệnh lý mạn tính kèm sởi dẫn đến biến chứng nặng.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua, toàn thành phố ghi nhận 76 trường hợp mắc sởi tại 24 quận, huyện, tăng 26 ca so với tuần trước.

Luỹ tiến từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 335 trường hợp tại 30/30 quận, huyện, thị xã.

Số ca mắc sởi đang có xu hướng gia tăng nhanh, chủ yếu ở người chưa tiêm chủng vắc xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Theo dự báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong thời gian tới, tiếp tục có thêm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 1 tuổi và trên 5 tuổi.

Bên cạnh công tác điều trị, tiêm phòng và khuyến cáo từ các cơ quan chuyên môn, cũng có những phụ huynh thắc mắc về việc có nên tắm cho trẻ khi bị sởi hoặc không lau người, không vệ sinh răng miệng cho trẻ khi bị sởi.

Sai lầm của phụ huynh khi trẻ mắc sởi, chuyên gia khuyên nên tránh- Ảnh 1.

Số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng.

Trước cách chăm sóc này, trao đổi với Người Đưa Tin, BS.Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi Hội truyền nhiễm Tp.HCM, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi Đồng 1 (Tp.HCM) cho rằng cách mà một số phụ huynh đang làm chăm sóc trẻ bị sởi như nêu trên là sai lầm.

"Khi trẻ bị sởi, cha mẹ nên chăm sóc cho con bằng cách vệ sinh cho trẻ, tắm rửa bình thường, nếu lạnh thì lau mát, còn sốt thì lau nước ấm cho trẻ", BS.Khanh nói và lưu ý cần phải vệ sinh răng miệng cho trẻ, chăm sóc ăn uống và theo dõi biến chứng.

"Việc tắm cho trẻ bị sởi đúng cách sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn, góp phần giảm nguy cơ gặp biến chứng và nhanh khỏi bệnh", BS.Khanh cho biết thêm.

Theo BS.Khanh, bệnh sởi ban đầu biểu hiện là sốt cao, ho nhiều, chảy mũi, đỏ mắt. 3-4 ngày sau sẽ phát ban. Sau khi phát ban, trẻ vẫn còn sốt cao thêm 4 - 5 ngày. Bệnh thường lành tính nhưng cũng có những trường hợp biến chứng: viêm phổi, viêm tai, tiêu đàm máu, viêm não... Đa số điều trị tại nhà nếu không có biến chứng. Chỉ cần nhập viện khi có biến chứng và phòng ngừa tốt nhất hiện nay là tiêm chủng.

Hà Nội: Tăng cường giám sát bệnh nhân sốt phát ban nghi sởi

Ngoài ra, theo chuyên gia truyền nhiễm, có thể Ppòng ngừa bệnh sởi bằng cách người chăm sóc và trẻ không tiếp xúc với người mắc bệnh sởi. Người lớn khi ra ngoài môi trường phải thực hiện vệ sinh rửa tay, thay quần áo trước khi đến thăm hoặc chăm sóc trẻ.

Phòng, chống bệnh sởi thế nào?

Theo Bộ Y tế, trong năm 2025, bệnh sởi và một số bệnh dự phòng bằng vắc-xin tiếp tục có nguy cơ gia tăng số mắc khi tỉ lệ tiêm chủng chưa đạt bao phủ cần thiết, công tác quản lý đối tượng tiêm chủng vẫn còn hạn chế, có khả năng gia tăng các trường hợp nhập viện.

Để phòng, chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc-xin sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch.

Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.

Sai lầm của phụ huynh khi trẻ mắc sởi, chuyên gia khuyên nên tránh- Ảnh 2.

Chủ động tiêm vắc-xin sởi đầy đủ và đúng lịch.

Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.

Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/sai-lam-cua-phu-huynh-khi-tre-mac-soi-chuyen-gia-khuyen-nen-tranh-a109831.html