Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trải qua 32 năm kể từ khi ca ghép thận đầu tiên trên người vào tháng 6/1992 đến nay, ngành Y tế Việt Nam đã làm chủ các kỹ thuật ghép các loại tạng, các công nghệ, kỹ thuật ghép tạng được đánh giá ngang tầm với các nước có nền y học tiên tiến trên thế giới. Trung bình mỗi năm, ngành y tế thực hiện hơn 1.000 ca ghép tạng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong những năm qua, Bộ Y tế đã phối hợp cùng bộ, ngành, địa phương, đã có những cố gắng, nỗ lực rất đáng ghi nhận để từng bước nâng cao năng lực công tác hiến ghép tạng tại nước ta. Đã tham mưu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan ghép tạng.
Đó là Quốc hội đã ban hành Luật số 75/2006/QH11 về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.
Chính phủ ban hành Nghị định 56/2008/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của Ngân hàng mô và Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người; Thông tư 48/2024 của Bộ Y tế về hướng dẫn điều phối nguồn hiến mô, bộ phận cơ thể người… Về chuyên môn, đã có 28 bệnh viện đủ điều kiện và được cấp phép ghép tạng, bao gồm cả bệnh viện tỉnh. Từ năm 1992 đến nay, đã có 9.297 ca ghép tạng được thực hiện.
Trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm Việt Nam có từ 10 đến 12 ca hiến tạng sau khi chết. Năm 2024, Việt Nam có 39 ca chết não gia đình đồng ý hiến tặng mô, tạng. Con số này chiếm gần 13% trong tổng số ca ghép tạng. Đây được coi là kỷ lục về ca hiến tạng tại nước ta nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của nhiều người ghép…
Từ những vấn đề thực tế đặt ra, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đưa ra 5 đề xuất tại buổi Lễ phát động: "Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi":
Một là, đề xuất Chính phủ ban hành quy định ngày hiến tạng Quốc gia là ngày 20/5 hằng năm.
Hai là, đề nghị các bộ, ban ngành liên quan, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Cận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và các cơ quan đoàn thể, cơ quan truyền thông, báo chí phối hợp cùng với Bộ Y tế tăng cường tuyên truyền vận động người dân đăng ký hiến tặng mô tạng trực tuyến duy nhất qua Cổng thông tin điện tử của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia.
Ba là, Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành liên quan phối hợp xây dựng các chính sách cho hoạt động truyền thông, tư vấn, vận động hiến tặng mô tạng, điều phối, vận chuyển và ghép mô tạng cho người bệnh, đảm bảo nguồn lực tổ chức thực hiện.
Bốn là, yêu cầu các bệnh viện đẩy mạnh các công tác truyền thông vận động, đăng ký hiến tặng mô tạng, đồng thời, chủ động phát hiện các ca chết não để tư vấn hiến tặng mô tạng, đưa việc chẩn đoán hồi sức chết não, hiến tặng mô tạng vào hoạt động thường quy của bệnh viện.
Đề nghị Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia triển khai có hiệu quả các hoạt động điều phối, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả các nguồn lực trong quá trình triển khai việc hiến ghép mô tạng. Từ đó, từng bước xây dựng văn hóa hiến tặng mô tạng trong bệnh viện, nâng cao năng lực chuyên môn trong việc triển khai các ca ghép tạng, để ngày càng có nhiều bệnh viện thực hiện thành công hoạt động này.
Cuối cùng, Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo với Chính phủ, đề xuất với Quốc hội cho phép sửa đổi luật hiến ghép mô bộ phận cơ thể người và việc hiến lấy xác, để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn ngay trong năm 2025.
Nguyễn Lành
Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/bo-truong-bo-y-te-dao-hong-lan-dua-ra-5-de-xuat-ve-hien-tang-a109379.html