Những thay đổi lớn về Giấy phép lái xe từ năm 2025, đặc biệt ai có GPLX không thời hạn được cấp trước 1/7/2012 nên lưu ý

Từ 1/1/2025, hàng loạt các quy định mới về giấy phép lái xe (GPLX) bắt đầu có hiệu lực.

Sẽ có 2 mẫu GPLX mới chính thức áp dụng từ năm 2025

Khoản 1 Điều 31 Thông tư 35/2024/TT-BGTVT quy định, từ 1/1/2025 sẽ áp dụng 02 mẫu Giấy phép lái xe mới

Mẫu 1: Được áp dụng từ ngày 01/01/2025 đến hết 31/12/2025 theo mẫu số 01 tại Phụ lục XXIV Thông tư này.

Những thay đổi lớn về Giấy phép lái xe từ năm 2025, đặc biệt ai có GPLX không thời hạn được cấp trước 1/7/2012 nên lưu ý- Ảnh 1.

Mẫu 2: Được áp dụng từ 01/01/2026 theo mẫu số 02 tại Phụ lục XXIV Thông tư 35/2024/TT-BGTVT.

Những thay đổi lớn về Giấy phép lái xe từ năm 2025, đặc biệt ai có GPLX không thời hạn được cấp trước 1/7/2012 nên lưu ý- Ảnh 2.

Trong đó, mẫu 1 thì về cơ bản giống với mẫu GPLX tại Thông tư số 01/2021/TT-BGTVT ngày 27/01/2021. Còn mẫu 02 áp dụng từ 01/01/2026 sẽ có nhiều sự thay đổi về hình thức trên cả 2 mặt Giấy phép.

Khuyến khích đổi GPLX không thời hạn được cấp trước 1/7/2012

Đây là một trong những quy định đáng chú ý tại Điều 62 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024. Theo đó, khuyến khích đổi giấy phép lái xe không thời hạn được cấp trước ngày 1/7/2012 sang giấy phép lái xe mẫu mới từ 1/1/2025. (GPLX trước tháng 7/2012 là dạng giấy bìa, sau thời điểm trên là dạng PET).

Từ 1/1/2025, người có giấy phép lái xe được đổi, cấp lại GPLX trong các trường hợp:

- Giấy phép lái xe bị mất;

- Giấy phép lái xe bị hỏng không còn sử dụng được;

- Trước thời hạn ghi trên giấy phép lái xe;

- Thay đổi thông tin ghi trên giấy phép lái xe;

- Giấy phép lái xe nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp còn giá trị sử dụng;

- Giấy phép lái xe do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cấp khi có yêu cầu hoặc người được cấp không còn làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Thay đổi phân hạng giấy phép lái xe từ năm 2025

Theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2025, từ năm 2025 giấy phép lái xe sẽ tăng lên 15 hạng là A1, A, B1, B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE, còn hiện nay theo Luật Giao thông đường bộ 2008 chỉ có 13 hạng gồm A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FD, FC và FE.

Đồng thời, luật cũng thay đổi loại xe được lái trong từng hạng, ví dụ như:

Hạng A1 mới cấp cho người lái xe mô tô từ trên 50 phân khối đến 125 phân khối (quy định cũ là từ 50 - dưới 175 phân khối).

Hạng A mới cấp cho người lái xe mô tô trên 125 phân khối (quy định cũ là bằng A2 dành cho người lái xe mô tô trên 175 phân khối).

Hạng B1 mới không còn cấp cho người lái xe ô tô như bằng B1 hiện nay mà sẽ cấp cho người lái xe mô tô 3 bánh

Hạng B được gộp giữa hạng B1 và B2

Thay đổi thời hạn của giấy phép lái xe

Do có sự thay đổi trong phân hạng giấy phép lái xe nên thời hạn cũng có sự thay đổi. Cụ thể:

- Giấy phép lái xe hạng A1, A, B1: Không có thời hạn.

- Giấy phép lái xe hạng B, hạng C1: Thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp.

- Giấy phép lái xe hạng C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE: Thời hạn 05 năm kể từ ngày cấp.

Trong khi đó, tại Luật Giao thông đường bộ 2008 không quy định cụ thể thời hạn của các loại giấy phép lái xe mà thời hạn của từng hạng GPLX được nêu tại Điều 17 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT:

Điều 17. Thời hạn của giấy phép lái xe

1. Giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3 không có thời hạn.

2. Giấy phép lái xe hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.

3. Giấy phép lái xe hạng A4, B2 có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.

4. Giấy phép lái xe hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 05 năm, kể từ ngày cấp.

Mỗi giấy phép lái xe sẽ có 12 điểm

Từ năm 2025, nếu bằng lái xe bị trừ hết điểm thì người lái xe bắt buộc phải thi lại và phải đợi ít nhất 6 tháng sau mới được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, từ 1/1/2025, mỗi bằng lái xe sẽ có 12 điểm. Trong quá trình tham gia giao thông, tài xế khi vi phạm các quy định về luật an toàn giao thông sẽ bị trừ từ 02 - 12 điểm tùy vào tính chất, mức độ vi phạm.

Trường hợp bằng lái bị trừ hết điểm thì không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo bằng lái xe đó.

Và để được phục hồi lại điểm Giấy phép lái xe, khoản 3 Điều 58 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định, sau khi bị trừ hết điểm ít nhất là 06 tháng thì người có bằng lái xe bị trừ hết điểm mới được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Và nếu có kết quả đạt yêu cầu thì người lái xe mới được phục hồi đủ 12 điểm.

GPLX ô tô quá hạn 1 ngày cũng phải thi lại lý thuyết

Theo khoản 2 Điều 34 Thông tư 35/2024/TT-BGTVT quy định về người có giấy phép lái xe các hạng B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE quá thời hạn sử dụng như sau:

- Quá hạn dưới 1 năm kể từ ngày hết hạn: Phải thi lại lý thuyết để cấp GPLX.

- Quá hạn từ 1 năm trở lên kể từ ngày hết hạn: Phải thi cả lý thuyết, thực hành lái xe trong hình và trên đường để cấp bằng.

Mà Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 cũng quy định, người dân được đổi, cấp lại GPLX trước thời hạn ghi trên GPLX. Điều này cũng có nghĩa là nếu thời hạn bằng lái xe quá hạn dù chỉ 01 ngày thì khi muốn đổi sang GPLX mới cũng sẽ phải sát hạch lại.

Trước đây khoản 1 Điều 36 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 05/2024/TT-BGTVT) quy định, cho phép giấy phép lái xe quá thời hạn sử dụng dưới 03 tháng thì chủ xe vẫn được cấp lại mà không cần phải sát hạch lại lý thuyết.

Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/nhung-thay-doi-lon-ve-giay-phep-lai-xe-tu-nam-2025-dac-biet-ai-co-gplx-khong-thoi-han-duoc-cap-truoc-172012-nen-luu-y-a109320.html