Giá chung cư cao, nhân viên môi giới than khó giao dịch

Đó là than thở của nhiều chủ nhà muốn bán, môi giới sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội thời gian gần đây.

Giá chung cư ở Hà Nội những ngày gần đây dù được các nhà đầu tư, chuyên gia và cả giới môi giới nhận định là đã tạm thời lắng xuống so với vài ba tháng trước nhưng vẫn cao chót vót, vượt quá khả năng của người có nhu cầu ở thật.

Giá bị đẩy lên quá cao

Điều này đã dẫn đến hệ quả, người mua không đủ khả năng tài chính hoặc đủ khả năng nhưng đã tạm dừng mua, chờ giá chung cư “giảm nhiệt”. Giao dịch trở nên trầm lắng, khiến người muốn bán cũng không chốt được giao dịch.

Trong khi nhiều môi giới cũng thừa nhận, nghịch lý đang diễn ra khi nhu cầu về giao dịch nhà ở, chung cư được cho là tăng cao vào dịp cuối năm, nhất là cận Tết, nhưng rất nhiều dự án không có giao dịch từ vài ba tháng nay.

Chị Phạm Thị Nhâm (Dương Nội, Hà Đông) kể, đầu năm 2020, gia đình chị mua một căn chung cư với diện tích 82m2, thiết kế 2 phòng ngủ với mức giá 1,8 tỷ đồng, tương đương 22 triệu đồng/m2.

“Sau khi nhận nhà, gia đình chúng tôi đầu tư lắp đặt thiết bị nội thất, đồ gia dụng hết khoảng 150 triệu đồng, tổng mức đầu tư gần 2 tỷ đồng”, chị Nhâm nói.

Tuy nhiên, sang tháng 6/2024, gia đình chị Nhậm quyết định bán căn hộ để tìm chuyển đến nơi ở mới do chuyển địa điểm làm việc từ Hà Đông về Hai Bà Trưng.

Giá chung cư cao, nhân viên môi giới than khó giao dịch- Ảnh 1.

Mua bán chung cư tại Hà Nội thời gian gần đây không còn sôi động. (Ảnh minh hoạ).

“Qua tham khảo nhiều môi giới, căn chung cư của tôi được định giá 4,8 tỷ đồng, tương đương 58,5 triệu đồng/m2 nên tôi đã nhờ các môi giới tìm khách mua. Hồi tháng 8,9 cũng có một số môi giới dẫn khách đến xem nhưng không thấy liên lạc lại. Vì mệt mỏi với việc đi lại từ nhà tới nơi làm, gia đình đã quyết định giá bán 4,5 tỷ đồng, giảm 300 triệu và để lại toàn bộ nội thất, đồng thời tặng riêng môi giới 50 triệu ngoài tiền hoa hồng. Tuy nhiên, đến nay sau gần 4 tháng mà không thể bán được căn hộ. Cũng vì chưa bán được căn hộ nên chúng tôi cũng chưa có tiền để tìm căn hộ mới cho gia đình”, chị Nhâm nói.

Thực tế cho thấy, việc nhiều căn hộ chung cư được chủ nhà rao bán và có thoả thuận bằng miệng sẽ thưởng riêng cho các nhân viên môi giới từ 30 – 50 triệu đồng/căn giao dịch thành công ngoài tiền hoa hồng 1% theo thông lệ. Nhưng nhiều môi giới cũng thừa nhận, gần 3 tháng nay chưa có giao dịch nào, dù giá căn hộ đã được chủ nhà giảm từ 300 – 500 triệu đồng so với giá mà môi giới đưa ra.

Anh Trần Văn Hạnh, nhân viên sàn giao dịch bất động sản Đất Xanh Miền Bắc, nhân viên môi giới các dự án chung cư và đất nền khu vực Hoàng Mai, Thanh Trì, Hà Đông cho biết, gần 3 tháng qua, nhiều chủ nhà, nhà đầu tư nhờ gới thiệu đẩy hàng để thu hồi vốn vào những ngày cuối năm.

Theo anh Hạnh, với tâm lý muốn ra hàng sớm để thu hồi vốn chuyển mục đích kinh doanh khi giá căn hộ đã đạt đỉnh vào dịp cuối năm, nhiều chủ nhà đã chủ động giảm giá từ 300 – 500 triệu đồng/căn tuỳ diện tích, dự án và khu vực.

“Chủ nhà cũng cam kết có phần thưởng riêng cho mỗi giao dịch thành công với mức cao nhất lên đến 50 triệu, nhưng gần 3 tháng nay, tôi chưa có một giao dịch nào. Không có giao dịch, mức thu nhập của môi giới chắc chắn giảm mạnh, không có tiền thưởng cuối năm và chắc chắn sẽ không có tiền để tiêu Tết”, anh Hạnh nói.

Nhiều hệ lụy

Giá bất động sản và căn hộ đã quá cao, vượt quá khả năng của người có nhu cầu ở thật. Việc không có giao dịch cho thấy, giá bất động sản, căn hộ vẫn là giá ảo do môi giới đưa đẩy.

“Điều này thực sự gây ảnh hưởng đến thị trường căn hộ, bất động sản vì không có giao dịch. Đó cũng là hệ luỵ từ việc các môi giới, sàn giao dịch thường xuyên gọi điện với chủ nhà có căn hộ, có nhu cầu muốn bán để đẩy giá cao, làm thị trường sốt ảo và bản thân các môi giới cũng phải gánh chịu hậu quả vì không có giao dịch, kèm theo là không có thu nhập”, anh Trần Văn Hạnh than thở.

Giá chung cư cao, nhân viên môi giới than khó giao dịch- Ảnh 2.

Giá chung cư Hà Nội liên tục tăng mạnh khiến giao dịch trấm lắng (Ảnh minh họa: Minh Đức).

Cũng trả lời Báo điện tử VTC News, TS Nguyễn Văn Đính Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, vướng mắc pháp lý của các dự án bất động sản dẫn đến việc khan hiếm nguồn cung, đẩy giá bất động sản tăng cao. Sau gần 3 năm khi thị trường thiếu dự án, giá chung cư và nhà đất Hà Nội đã tăng từ 40 - 50%.

Theo ông Đính, do nhu cầu trên thị trường rất lớn trong khi nguồn hàng, dự án rất khan hiếm đã dẫn đến cảnh môi giới, sàn giao dịch, chủ đầu tư dự án, người có nguồn hàng đã xây dựng mức giá có biên độ lợi nhuận rất lớn, dẫn đến giá quá cao. Cùng với đó các nhà đầu cơ, đầu tư lại tiếp tục “bơm vá, đẩy giá rất cao”.

“Giá quá cao không phù hợp với nhu cầu của thị trường, khả năng thanh toán thật của những người có nhu cầu thật. Giao dịch trên thị trường có thể có nhưng hầu hết là của các nhà đầu cơ với mục đích “đánh nhanh, lãi nhanh” là chính. Như thế không phải sự hấp thụ thật của thị trường, là giá ảo, giao dịch ảo.

Các nhà đầu tư cũng không muốn bỏ một số tiền lớn để đầu tư, vì có đầu tư cũng càng trở nên khó bán khiến nhu cầu thật không chấp nhận, từ đó làm cản trở hoạt động đầu tư, suy thoái hoạt động đầu tư và người có nhu cầu mua nhà ở thật đối mặt với vô vàn khó khăn”, ông Đính nói.

Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, hiện cả nước triển khai được 2.254 dự án với tổng số 1,2 triệu căn hộ, lô, đất nền. Nhà ở xã hội có 622 dự án đã và đang triển khai với quy mô khoảng 565.177 căn.

Thị trường bất động sản có nhiều chuyển biến về những tháng cuối năm. Những nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương gỡ khó cho thị trường bất động sản đã có kết quả tích cực. Theo đó, từ đầu năm tới nay, khoảng 40.000 sản phẩm mới. Cán cân cung – cầu đang được điều chỉnh, giảm dần áp lực về cầu, giá bán bất động sản điều chỉnh về mức phù hợp.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu khả quan, thị trường bất động sản đối diện nhiều khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục được tháo gỡ.


Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/gia-chung-cu-cao-nhan-vien-moi-gioi-than-kho-giao-dich-a109251.html