Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu tiêu bao nhiêu tiền trong năm qua?

Bình Thuận đã giải ngân đạt 76,5% so kế hoạch vốn được Thủ tướng giao và cao hơn mức trung bình của cả nước. Với Bà Rịa - Vũng Tàu, tính đến hết tháng 10 năm nay, tỉnh đã giải ngân được hơn 11.760 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 56,35% so với kế hoạch đã giao.

Tính tới ngày 25/12, giá trị giải ngân đầu tư công ở Bình Thuận hơn 3.600 tỷ đồng, đạt 76,5% so kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao và cao hơn mức trung bình của cả nước.

Cụ thể với nguồn vốn trong nước đã giải ngân đạt gần 80% (gồm vốn ngân sách tỉnh giải ngân đạt hơn 80%, vốn ngân sách Trung ương giải ngân đạt gần 72%), còn vốn ngoài nước (ODA) mới giải ngân đạt tỷ lệ 31,2%...

Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu tiêu bao nhiêu tiền trong năm qua?- Ảnh 1.

Bình Thuận đã giải ngân được hơn 3.600 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 76,5% so kế hoạch vốn.

Tính riêng dự án do UBND các huyện, thị xã, thành phố làm chủ đầu tư hiện có 6 địa phương giải ngân đạt từ 80% kế hoạch vốn trở lên là thị xã La Gi, huyện Phú Quý, huyện Hàm Thuận Bắc, huyện Tánh Linh, huyện Hàm Thuận Nam và huyện Hàm Tân.

Theo Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Thuận, dù tốc độ giải ngân có tiến triển nhưng vẫn còn khó khăn, kết quả chưa như mong muốn. Nguyên nhân có một số dự án, gồm cầu Văn Thánh ở Phan Thiết, đường Hàm Kiệm đi Tiến Thành, trục ven biển ĐT.719B đoạn Hòn Lan - Tân Hải vướng đền bù giải phóng mặt bằng, do địa phương chưa phê duyệt phương án bồi thường với tổng kế hoạch vốn còn lại chưa giải ngân là hơn 225 tỷ đồng.

Các dự án ODA cũng chậm giải ngân, khiến tổng kế hoạch vốn còn lại chưa giải ngân hơn 185 tỷ đồng xuất phát từ lý do khách quan, trong đó có khó khăn về thủ tục giải ngân hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án…

Ông Đoàn Anh Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - cho rằng, để giải ngân đạt tỷ lệ trên 95% kế hoạch vốn năm 2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó cần tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp cũng như huy động mọi nguồn lực để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hoàn thành đạt mục tiêu đã đề ra.

Những trường hợp dự án còn vướng đền bù giải phóng mặt bằng, yêu cầu các chủ đầu tư và địa phương liên quan khẩn trương áp giá đền bù, phê duyệt phương án bồi thường để đủ điều kiện giải ngân vốn thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, bàn giao cho đơn vị thi công.

Riêng các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của tỉnh phải kịp thời đề ra giải pháp quyết liệt, cụ thể hơn nữa để giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn được giao. Đối với dự án ODA, giao sở ngành và đơn vị có liên quan chủ động phối hợp các cơ quan Trung ương, nhà tài trợ vốn quan tâm xúc tiến giải ngân kế hoạch vốn...

Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu tiêu bao nhiêu tiền trong năm qua?- Ảnh 2.

Bà Rịa - Vũng Tàu đã giải ngân được hơn 11.760 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 56,35% so với kế hoạch.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, tính đến hết tháng 10, tỉnh này đã giải ngân được hơn 11.760 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 56,35% so với kế hoạch đã giao.

Ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - yêu cầu các chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh. Đối với các dự án khởi công mới, chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục để tổ chức đấu thầu và khởi công 10 dự án còn lại thuộc danh mục khởi công mới năm 2024.

Đối với các dự án ở danh mục bồi thường giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án và các thủ tục pháp lý trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Cấp ủy và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, khẩn trương thực hiện thủ tục về bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn (không phân biệt chủ đầu tư) để đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án.

Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/binh-thuan-ba-ria-vung-tau-tieu-bao-nhieu-tien-trong-nam-qua-a109184.html