Hệ lụy khó lường cho giới trẻ Nhật Bản do nghiện internet

Kết quả một cuộc điều tra tại Nhật Bản cho thấy có tới hơn 25% số học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông bị nghi ngờ là lệ thuộc hoàn toàn vào Internet. Đây là một tình trạng đáng báo động.

Theo kết quả điều tra do một nhóm các nhà nghiên cứu tâm lý học giáo dục của Đại học Hyogo tiến hành với 178.000 học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông thuộc 11 địa phương của Nhật Bản, bằng phương pháp điều tra sàng lọc (screening test) với 8 câu hỏi chính liên quan đến các vấn đề như: mặc dù muốn bỏ Internet nhưng không thành công, hoặc muốn giảm thời gian truy cập nhưng không được... có tới hơn 25% số học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông bị nghi ngờ là lệ thuộc hoàn toàn vào Internet. Đây là tình trạng đáng báo động. Vậy nguyên nhân là gì, hệ lụy đến đâu, Nhật Bản đang có những biện pháp đối phó như thế nào?

Hệ lụy khó lường cho giới trẻ Nhật Bản do nghiện internet- Ảnh 1.

Có một tỷ lệ rất cao người Nhật dành ít nhất 5h một ngày cho Internet. Ảnh: Jiji Press

Nguyên nhân chủ yếu

Nếu theo lý giải của các nhà nghiên cứu giáo dục học và tâm lý giáo dục thì một trong những nguyên nhân gây nghiện Internet cho học sinh các cấp của Nhật Bản là thời gian giãn cách xã hội trong đại dịch Covid-19 và Internet cùng các thiết bị thông minh được coi là phương tiện duy nhất để không làm đứt gẫy các mối quan hệ xã hội cũng như hoạt động dạy và học của các nhà trường.

Tuy nhiên, các nhà xã hội học lại nhìn nhận vấn đề này từ nhiều góc độ khác. Đầu tiên là tốc độ phát triển vô cùng nhanh chóng của kỹ thuật số, bao gồm cả Trí tuệ nhân tạo (AI) và các thiết bị thông minh đầu cuối thế hệ mới. Sự phát triển này đã đạt đến mức rất khó kiểm soát tại Nhật Bản. Dịch vụ Internet tại Nhật Bản phổ cập rất rộng với nhiều địa điểm công cộng cung cấp miễn phí. Nhiều nhà mạng điện thoại, để thu hút thêm thuê bao còn áp dụng chính sách cung cấp điện thoại thông minh cho khách hàng với giá 1 Yên (tương đương khoảng 165 VND), tức là hầu như cho không. Sự tiện lợi này đã khiến thanh thiếu niên có cả thế giới trong tay với một chi phí rất thấp.

Hệ lụy khó lường cho giới trẻ Nhật Bản do nghiện internet- Ảnh 2.

Nghiện Internet đến mức ngồi đối diện vẫn giao lưu qua mạng. Ảnh: Jiji Press

Một nguyên nhân nữa là tâm lý của các bậc phụ huynh. Có những người chiều con, sẵn sàng đáp ứng mọi đòi hỏi của con trẻ, có những người thì coi rằng đó là cách tốt nhất để kiểm soát con em mà không cần phải tiếp cận trực tiếp, có thể giúp tiết kiệm thời gian dậy dỗ để tập trung vào cuộc mưu sinh. Các nhà tâm lý học gọi hiện tượng này là sự “vô trách nhiệm của các bậc cha mẹ”. Một yếu tố nữa là tâm lý né tránh của các thầy cô giáo. Mặc dù biết rõ tác hại của việc nghiện Internet, nhưng trong khi nhà trường và các cơ quan quản lý giáo dục các cấp chưa có quy định rõ ràng, thì các thầy cô cũng chỉ can thiệp được phần nào, còn nếu quyết liệt quá, có khả năng bị học sinh khiếu nại thì vô cùng phiền phức.

Và trên hết là sự khó khăn của các cơ quan quản lý khi bị ràng buộc bởi những quy định của pháp luật, bao gồm cả Hiến pháp, về tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin... Những điều này, mặc dù chưa phải là tất cả, được coi là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng lệ thuộc vào Internet của học sinh Nhật Bản hiện nay.

Hệ lụy nhãn tiền

Chính phủ Nhật Bản , đặc biệt là các bộ ngành có liên quan đến văn hóa, y tế, giáo dục, xã hội của nước này ý thức rất rõ rằng đây là vấn đề rất đáng lo ngại, cần giải quyết càng sớm càng tốt, nếu không sẽ ảnh hưởng trực tiếp cả hiện tại và về lâu về dài đối với tương lai, cùng sự nghiệp phát triển đất nước. Đã có lời cảnh báo của giới khoa học về việc tỷ lệ những người không có đủ sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần để gánh vác trọng trách của xã hội đang ngày một tăng cao.

Trên thực tế, đây là câu chuyện đã có từ trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 và thực sự rất nghiêm trọng. Vì nghiện Internet và các thiết bị thông minh đã được khoa học chứng minh là ảnh hưởng rất xấu tới sức khỏe vật lý cũng như sức khỏe tâm lý của con người, bao gồm cả người trưởng thành, chứ không riêng gì trẻ nhỏ.

Đầu tiên là vấn đề vận động thân thể không đủ. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ người trưởng thành của Nhật Bản vận động không đủ thuộc nhóm nước có thu nhập cao ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương lên tới 48%. Nếu bổ sung thêm học sinh các cấp hiện nay thì tỷ lệ này sẽ lên tới gần 65%. Tiếp theo là sự lan rộng của các bệnh về mắt. Theo một điều tra do Hiệp hội bác sỹ nhãn khoa Nhật Bản mới tiến hành, tỷ lệ những người bị các bệnh về mắt do sử dụng các thiết bị thông minh quá độ cũng tăng cao chưa từng có, lên tới trên 2,15% dân số. Trong đó, phổ biến nhất là bệnh lác, nhược thị và một số tật về khúc xạ khác, kéo theo nguy cơ mù lòa tăng cao.

Tiếp theo là các bệnh tâm lý như tự kỷ, cuồng tín thần tượng, cuồng yêu... Các loại bệnh liên quan đến sự lệch lạc về tâm lý này được dự báo là sẽ tiếp tục lan rộng vì Internet. Chứng nghiện Internet còn được các nhóm tội phạm, lừa đảo công nghệ cao tận dụng triệt để, với số nạn nhân gia tăng nhanh chóng, bao gồm không chỉ trẻ em mà cả người trưởng thành.

Một hệ lụy nữa là sự biến mất dần của văn hóa đọc, do các trào lưu xấu, sự sùng bái Internet, mặc định những gì có trên Internet là đương nhiên đúng với tâm lý “nếu ai không biết thì tra Google” lan rộng ra toàn xã hội.

Chưa có giải pháp hiệu quả

Cho đến nay, các cơ quan quản lý nhà nước của Nhật Bản vẫn bị ràng buộc bởi những quy định của pháp luật, bao gồm cả Hiến pháp, về tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin... Mặc dù, giới khoa học nhiều lần nhấn mạnh: “Vấn đề nghiện internet của trẻ vị thành niên đã trở nên nghiêm trọng hơn và cần có các biện pháp cấp bách”, đồng thời, yêu cầu Chính phủ và chính quyền các địa phương cần lắng nghe tiếng nói của trẻ em có liên quan và thực hiện các biện pháp khẩn cấp, chẳng hạn như cung cấp các chương trình phục hồi để tránh tái nghiện internet, tăng cường giáo dục hơn nữa về cách sử dụng Internet đối với trẻ em....

Bên cạnh đó, khuyến cáo các bậc phụ huynh và gia đình cần thảo luận với trẻ em để xây dựng các quy tắc cụ thể, như khi nào thì sử dụng Internet, trong khoảng thời gian bao lâu, sử dụng ở đâu, hay mục đích sử dụng internet... Tuy nhiên, các biện pháp này vẫn chưa phải là triệt để. Cho đến nay, các cơ quan quản lý nhà nước của Nhật Bản vẫn đang “loay hoay” tìm các giải pháp đồng bộ, tổng thể, bởi vì, nếu không cẩn thận, sẽ có một ngày, một nhóm học sinh nào đó của một trường phổ thông nào đó sẽ phát đơn kiện cha mẹ, thầy cô giáo, nhà trường và cả Bộ Giáo dục vì vi phạm nhân quyền cùng các quyền hợp pháp hợp hiến của trẻ em khi đưa ra một quy định trái luật. Bởi vì xét cho cùng, không có bất cứ quy định nào có thể đứng trên Hiến pháp và pháp luật, và ở Nhật Bản lại càng không thể có, do tinh thần thượng tôn pháp luật.

Hiện nay, Nhật Bản đang đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, giáo dục về tác dụng phụ của Internet thông qua các cơ quan truyền thông, đồng thời lồng ghép vào sinh hoạt ngoại khóa của các nhà trường với sự xuất hiện của các chuyên gia danh tiếng, giao lưu trao đổi với học sinh về cách sử dụng Inernet và thiết bị thông minh đúng hướng có lợi, tránh những ảnh hưởng xấu... Hy vọng rằng, các bước đi này sẽ mang lại hiệu quả tốt, giúp Nhật Bản sớm giải quyết hiện tượng đang trở thành vấn nạn xã hội này.

Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/he-luy-kho-luong-cho-gioi-tre-nhat-ban-do-nghien-internet-a109081.html