Tiếp đà năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 2025 từ 6,5 - 7% đầy triển vọng

Sự tăng trưởng của sản xuất, xuất khẩu và dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đã dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn, khởi sắc năm 2024.

Việt Nam trở lại như một ngôi sao tăng trưởng của Asean

Mới đây, HSBC đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của nước ta trong năm 2024 lên 7,0% từ mức 6,5%. Các chuyên gia HSBC đánh giá, thế giới đã trải qua một năm rất nhiều biến động khó lường và bất ổn từ những căng thẳng địa chính trị kéo dài, xu hướng toàn cầu hoá đảo ngược, các kịch bản xoay quanh cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ…Tuy nhiên, nằm trong vòng quay đầy thách thức đó, bức tranh kinh tế Việt Nam khởi sắc dù không ít thăng trầm.

Bên cạnh HSBC, vào tháng 10, Standard Chartered đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,8%, so với dự báo 6% trước đó. Còn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá, Việt Nam là một trong những nước tăng trưởng cao nhất thế giới, xuất khẩu mạnh, thu hút FDI tốt; quy mô xuất khẩu hàng hóa đứng thứ 23 thế giới, nhập khẩu thứ 22 thế giới.

Gần đây nhất, trong báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 11/12, ADB đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 lên mức 6,4%, tăng so với dự báo 6% trước đó.

Thực tế cho thấy, vượt qua những suy giảm thời gian đầu năm và những cơn bão tàn phá, Việt Nam vươn lên mạnh mẽ, trở lại như một ngôi sao tăng trưởng trong khối Asean. Từ quý II, mức tăng trưởng được cải thiện và bất ngờ tăng lên lần lượt 6,9%; đến quý III tăng lên 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong số tất cả các nền kinh tế ở Đông Á.

Tiếp đà năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 2025 từ 6,5 - 7% đầy triển vọng- Ảnh 1.

Kinh tế Việt Nam chịu tác động kép nhưng phục hồi tích cực, nhất là xuất khẩu

Đáng chú ý, sản xuất, xuất khẩu và dòng vốn FDI là trụ cột vững chắc cho nền kinh tế. Nước ta thu hút dòng vốn nước ngoài với trạng thái tăng trưởng tích cực, nhất là trong các lĩnh vực ngoài sản xuất như bất động sản, năng lượng…Phần lớn các doanh nghiệp FDI đều tiếp tục đưa ra các cam kết về đầu tư thêm vốn dự án, hỗ trợ năng lực sản xuất đang mở rộng của Việt Nam. Về vấn đề này, ADB cũng đánh giá, hoạt động thương mại mạnh hơn dự kiến, sản xuất chế biến chế tạo hàng xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ.

"Suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2024 là một cú sốc lớn đối với tất cả các quốc gia. Thế nhưng, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt và trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Á -Thái Bình Dương. Xu hướng tích cực này sẽ tiếp tục trong năm 2025. Cần phải nói thêm là Việt Nam rất linh hoạt và tận dụng hiệu của các cơ hội để hút nguồn lực đầu tư nước ngoài. Thêm vào đó, Việt Nam đã có nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, đặc biệt là sự cải thiện rõ nét về môi trường kinh doanh, đơn giản hóa các quy định và thủ tục hành chính; ưu tiên thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân… Cộng đồng quốc tế cũng rất đánh giá cao nỗ lực liên tục của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh", ông Andrea Coppola, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên VTV Times.

Xu hướng tăng trưởng tích cực sẽ tiếp tục trong năm 2025

Đánh giá về triển vọng kinh tế năm 2025, ông Andrea Coppola nhấn mạnh đến hai từ "tích cực". Trong khi đó, WB cũng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2025 sẽ diễn ra đồng đều với sự phục hồi được ghi nhận ở phần lớn các quốc gia trên thế giới.

Xác định năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7%, phấn đấu khoảng 7 - 7,5% trong bối cảnh, tình hình thuận lợi hơn.

Theo dự báo của IMF, Việt Nam cũng đạt được những bước tiến ấn tượng trong xếp hạng kinh tế toàn cầu. GDP của Việt Nam dự báo sẽ đạt 506 tỷ USD vào năm 2025. Quy mô nền kinh tế Việt Nam 2025 có thể xếp thứ 33 thế giới.

HSBC dự báo trong năm 2025, dòng vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng. Đặc biệt, với chuyến thăm gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Hoa Kỳ đã mở ra ý định đầu tư từ nhiều công ty, điển hình như Meta hay Shunsin - một công ty con của Foxconn, được cho là đã xin giấy phép đầu tư 80 triệu USD để sản xuất mạch tích hợp tại tỉnh Bắc Giang, cho thấy năng lực sản xuất tại Việt Nam đang được cải thiện.

Tiếp đà năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 2025 từ 6,5 - 7% đầy triển vọng- Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá quy mô nền kinh tế dự kiến đạt khoảng 500 tỷ USD năm 2025. Số này tăng 1,45 lần so với năm 2020, xếp thứ 33 thế giới và thứ 4 khu vực ASEAN. GDP bình quân đầu người sẽ tăng từ 3.720 USD năm 2021 lên khoảng 4.900 USD năm 2025. Mức tăng tương ứng khoảng 31,7%.

Còn theo ông Andrea Coppola, Việt Nam đã tận dụng tốt vị trí chiến lược là "cầu nối" giữa hai cường quốc Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nhờ tất cả những điều này, Việt Nam có thể thu hút một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. "Trong bối cảnh đó, để nâng cao hơn nữa vị thế cạnh tranh, Việt Nam nên tập trung vào ba lĩnh vực là đầu tư vào vốn nhân lực để nâng cao kỹ năng và tay nghề của lực lượng lao động; cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải và năng lượng, bao gồm năng lượng sạch, để giảm cường độ phát thải carbon trong các sản phẩm xuất khẩu. Đồng thời tận dụng triệt để các hiệp định thương mại để từ đó thúc đẩy dòng chảy thương mại, xuất khẩu và đầu tư", ông Andrea Coppola nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, khảo sát AHK World Business Outlook mùa Thu 2024 được Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) công bố vừa qua cho thấy, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng chậm nhưng ổn định. Các doanh nghiệp Đức vẫn lạc quan về thị trường Việt Nam và coi đây là một điểm đến đầu tư hàng đầu. Cụ thể, có tới 81% doanh nghiệp Đức tham gia khảo sát bày tỏ sự hài lòng với hoạt động hiện tại, 50% kỳ vọng tăng trưởng kinh doanh, 35% có kế hoạch tăng đầu tư tại Việt Nam (tăng so với 24% vào mùa xuân 2024), và 35% dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trong 12 tháng tới. Ngoài ra, 54% doanh nghiệp tin tưởng vào tốc độ phát triển ổn định của Việt Nam, 54% có kế hoạch giữ nguyên quy mô lao động và 35% dự định tuyển thêm nhân sự trong năm tới…

Nhận định về năm 2025, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên VTV Times, thời gian tới, Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao và bán dẫn từ các công ty Hoa Kỳ và châu Âu. Cũng tại 2 thị trường lớn này, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng thị phần rất tốt. "Việt Nam cần tận dụng cơ hội tăng trưởng đến từ các ngành như công nghệ cao, công nghệ xanh và các dịch vụ giá trị gia tăng.Đơn cử như việc nắm bắt cơ hội từ sự hiện diện của người khổng lồ - Tập đoàn NVIDIA tại đất nước chúng ta", Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị thêm./.

Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/tiep-da-nam-2024-viet-nam-dat-muc-tieu-tang-truong-2025-tu-65-7-day-trien-vong-a108201.html