Hà Nội đang có hơn 1.000 dự án vướng phương án bồi thường về đất

Theo Sở TN&MT Hà Nội, trên địa bàn hiện có hơn 1.000 dự án dở dang đang có vướng mắc về phương án bồi thường giải phóng mặt bằng do chuyển tiếp Luật Đất đai

Hà Nội đang có hơn 1.000 dự án vướng phương án bồi thường về đất- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tại hội nghị Tổng kết 2024 và triển khai nhiệm vụ 2025, sáng 21/12, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, trên địa bàn hiện có hơn 1.000 dự án dở dang đã thực hiện thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư một phần theo Luật Đất đai 2013, phần diện tích còn lại sẽ thực hiện theo Luật Đất đai 2024.

Theo cơ quan quản lý, thực tế này đã dẫn đến một số vướng mắc như chính sách giải phóng mặt bằng trong cùng một dự án không đồng nhất, người được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Luật Đất đai 2024 cơ bản có lợi hơn.

Bên cạnh đó, nhiều dự án thông báo thu hồi đất đã quá 12 tháng theo quy định của Luật Đất đai 2024, không thuộc trường hợp chuyển tiếp cũng phát sinh vướng mắc.

Theo cơ quan chức năng thành phố Hà Nội, thời gian qua, nhiều dự án đã được UBND quận, huyện, thị xã thực hiện các bước như điều tra kiểm đếm và tài sản trên đất; xác nhận nguồn gốc sử dụng đất lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổ chức niêm yết công khai phương án theo quy định của Luật Đất đai 2013 nhưng chưa quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

"Nếu thực hiện theo quy định của Luật Đất đai 2024 sẽ phát sinh rất nhiều khó khăn về thời gian, tiến độ, chi phí", Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thông tin.

Để tháo gỡ, Sở TN&MT Hà Nội cho biết thành phố đã có nội dung đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến với Chính phủ và các cơ quan trung ương cho phép thành phố sử dụng tài liệu đã thực hiện như kết quả đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất để triển khai các bước tiếp theo với các dự án đã thực hiện đầy đủ các quy trình bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Luật Đất đai 2013.

Đối với các trường hợp áp dụng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành mà các chính sách cơ bản không thay đổi và được sự đồng tình của hộ dân thì thực hiện ngay các bước theo quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Những trường hợp sau khi rà soát, quyền lợi của người bị thu hồi đất phát sinh tăng có lợi cho người bị thu hồi đất theo Luật Đất đai 2024 thực hiện điều chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phê duyệt theo quy định.

Trường hợp chính sách theo Luật Đất đai 2013 và chính sách đặc thù khác đã được UBND TP chấp thuận có lợi hơn cho người có đất bị thu hồi thì cho phép áp dụng chính sách có lợi hơn đã được chấp thuận.

Bảng giá đất mới không ảnh hưởng đến công tác bồi thường khi nhà nước thu hồi đất

Ngày 20/12, UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến bảng giá đất tại Thủ đô, có hiệu lực ngay lập tức và áp dụng đến hết năm 2025.

So với bảng giá đất cũ, bảng giá đất được điều chỉnh cao gấp 2-6 lần. Theo đó, mức điều chỉnh tăng từ 190% - 270%; trong đó 10 tuyến đường của thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm bao gồm: Hàng Đào, Hàng Khay, Hàng Ngang, Lê Thái Tổ, Bà Triệu, Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nhà Thờ có mức độ điều chỉnh tăng bình quân là 270% tại các vị trí 1+2 và 245% tại các vị trí 3+4. Sau khi điều chỉnh giá đất ở tại vị trí 1 tăng từ 187,9 triệu đồng/m2 lên 695,3 triệu đồng/m2.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cơ sở để xây dựng bảng giá đất điều chỉnh dựa trên kết quả điều tra, khảo sát giá đất trên thị trường trong hai năm qua (từ tháng 8.2022 đến tháng 8.2024) tại 30 quận, huyện và 579 xã, phường, thị trấn với hơn 20.740 phiếu khảo sát thu về.

Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, khi điều chỉnh tăng giá đất ở tại bảng giá đất sẽ có nhiều ý kiến không đồng thuận với lý do làm tăng thuế, phí về đất đai. Tuy nhiên, việc điều chỉnh bảng giá đất tăng dần tiệm cận với giá thị trường là yêu cầu phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

Bảng giá mới đáp ứng nhu cầu thực tiễn, giảm bớt chênh lệch, đưa giá đất ở Thủ đô dần tiếp cận với thị trường. Điều này giúp thiết lập chính sách đồng bộ trong quản lý đất và hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng và người có nhu cầu sử dụng đất thực hiện dự án. Nhờ đó, thu ngân sách tăng qua thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất của người dân, doanh nghiệp.

"Bảng giá đất cũng là cơ sở để tính giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao, cho thuê đất với trường hợp thửa đất, khu đất đã được đâu tư hạ tâng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiêt xây dựng. Việc điều chỉnh bảng giá đất là cấp thiết, nhằm đảm bảo nguồn thu từ đấu giá đất. Việc điều chỉnh bảng giá đất ở không ảnh hướng đến công tác xác định giá đất cụ thể", theo Sở Tài nguyên và Môi trường.

Trường hợp thuế, phí về đất đai cao không phù hợp với thu nhập của người dân, cơ quan quản lý cho rằng thì cần nghiên cứu giảm tỉ suất tính thuế, phí, chứ không giảm giá đất.

Cũng theo Sở Tài nguyên và môi trường, bảng giá điều chỉnh cơ bản không ảnh hưởng đến việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất do giá đất làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là giá đất cụ thể.

Giá đất cụ thể này được xác định bằng phương pháp định giá đất theo quy định và được quy ra hệ số điều chỉnh giá đất để so sánh với giá đất cùng vị trí quy định trong bảng giá đất của UBND TP. Ngoài ra, việc điều chỉnh bảng giá đất góp phần tích cực trong giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư và phát triển Thủ đô.

Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/ha-noi-dang-co-hon-1000-du-an-vuong-phuong-an-boi-thuong-ve-dat-a108193.html