Phát hiện hơn 45 ngàn vụ bán hàng giả, nhiều kho hàng sát biên giới

Trong 11 tháng năm 2024, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 65.881 vụ, phát hiện, xử lý 45.045 vụ vi phạm với tổng số tiền xử lý là 841 tỉ đồng.

Bộ Công Thương vừa có báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại tháng 11 và 11 tháng năm 2024.

Phát hiện hơn 45 ngàn vụ bán hàng giả, nhiều kho hàng sát biên giới- Ảnh 1.

Phát hiện các hành vi vi phạm về nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Từ ngày 15-10 đến 14-11, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã kiểm tra 4.809 vụ, phát hiện, xử lý 3.300 vụ vi phạm, thu nộp Ngân sách Nhà nước trên 36 tỉ đồng.

11 tháng đầu năm 2024, lực lượng QLTT đã kiểm tra 65.881 vụ, phát hiện, xử lý 45.045 vụ vi phạm với tổng số tiền xử lý là 841 tỉ đồng.

Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính trên 437 tỉ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu trên 203 tỉ đồng, trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy gần 201 tỉ đồng. Chuyển cơ quan điều tra 162 vụ có dấu hiệu tội phạm; tổng thu nộp ngân sách nhà nước trên 518 tỉ đồng.

Trong 11 tháng năm 2024, số hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, lĩnh vực y tế, giá, niêm yết giá, tiêu chuẩn đo lường, nhãn hàng hóa được lực lượng QLTT phát hiện giảm so với cùng kỳ năm 2023; các hành vi vi phạm về nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, nông nghiệp, đặc biệt, lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được đối tượng tập kết tại khu vực biên giới hoặc các kho hàng trung chuyển trên tuyến lưu thông để thẩm lậu vào tiêu thụ nội địa. Vi phạm chủ yếu phát hiện đối với nhóm hàng có nhu cầu cao như thời trang, mỹ phẩm, thiết bị điện, thực phẩm.

Trong 11 tháng năm 2024, lực lượng QLTT tập trung giám sát, kiểm tra trong lĩnh vực này và phát hiện nhiều vi phạm trên phạm vi cả nước, đa số đối tượng tổ chức kho hàng gần cửa khẩu, thiết lập các điểm livestream tiếp nhận đơn và chuyển hàng đặt ở nhiều địa điểm khác nhau trên cả nước; hàng hóa vi phạm được trà trộn, vận chuyển trong các kiện hàng, sử dụng số điện thoại không chính chủ để giao dịch, mua bán và gửi tới khách hàng thông qua các đơn vị dịch vụ giao nhận, chuyển phát nhanh, rất khó phát hiện.

Theo Bộ Công Thương, trong thời gian qua, số vụ vi phạm và xử lý trên môi trường TMĐT không ngừng gia tăng, với tính chất vi phạm và diễn biến phức tạp.

Không chỉ hàng hóa tiêu dùng thông thường, mà nhiều mặt hàng là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, sản phẩm thuốc lá điện tử bị làm giả với số lượng lớn để kinh doanh trên nền tảng TMĐT, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/phat-hien-hon-45-ngan-vu-ban-hang-gia-nhieu-kho-hang-sat-bien-gioi-a106920.html