Dự án chống ngập 10.000 tỷ: Thủ tướng yêu cầu loại bỏ toàn bộ chi phí bất hợp lý

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch TP.HCM khẩn trương làm việc với chủ đầu tư dự án chống ngập 10.000 tỷ, loại bỏ chi phí bất hợp lý, đảm bảo không thất thoát ngân sách.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Chủ tịch UBND TP.HCM cùng các bộ, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện dự án chống ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng).

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND TP.HCM tập trung chỉ đạo hoàn thành rà soát, trao đổi và đàm phán với nhà đầu tư, doanh nghiệp liên quan giá trị dự án, loại bỏ toàn bộ chi phí bất hợp lý, không đúng quy định. Các bên cần thống nhất về giá trị, tiến độ, điều kiện thanh toán hợp đồng và các nội dung cần thiết khác để làm cơ sở ký kết phụ lục hợp đồng theo đúng quy định, đảm bảo không để thất thoát ngân sách Nhà nước. Phần việc này phải hoàn thành trước ngày 20/12 để tránh tình trạng chậm trễ và lãng phí trong đầu tư.

Dự án chống ngập 10.000 tỷ: Thủ tướng yêu cầu loại bỏ toàn bộ chi phí bất hợp lý- Ảnh 1.

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng. (Ảnh: Lương Ý)

Thủ tướng cũng giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước làm việc với Chủ tịch UBND TP.HCM và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam để khẩn trương giải quyết các kiến nghị liên quan đến tái cấp vốn cho dự án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò chủ trì, sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, UBND TP.HCM và các cơ quan liên quan để rà soát và đề xuất phương án xử lý các vướng mắc của dự án. Kết quả rà soát phải được báo cáo Thủ tướng trước ngày 20/12.

UBND TP.HCM có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để rà soát và đề xuất phương án giải quyết, đảm bảo tiến độ và hiệu quả của dự án.

Chiều qua (10/12), trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn đại biểu HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng là vấn đề được nhắc đến nhiều lần trong các buổi tiếp xúc cử tri.

Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh rằng TP.HCM đang nghiên cứu các chỉ đạo của Thủ tướng để khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc trong tháng 12/2024.

“Nếu có chủ trương tháo gỡ, nhà đầu tư có thể hoàn thành dự án trong 12 tháng. Chúng tôi hy vọng đến cuối năm 2025, dự án sẽ được hoàn thành”, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định.

Ông Phan Văn Mãi thẳng thắn thừa nhận rằng dự án đã trở thành điển hình về việc kéo dài, gây lãng phí và hiện đang được Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm.

Theo ông, Thủ tướng đã yêu cầu TP.HCM phối hợp với các bộ, ngành để xử lý những vướng mắc trong tháng 12/2024, với mục tiêu hoàn thành dự án trong năm 2025.

Ông Phan Văn Mãi cho biết, UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ ba nhóm vấn đề chính. Do thời gian kéo dài, tổng mức đầu tư đã thay đổi, TP.HCM đề nghị được điều chỉnh dự án để có cơ sở ký lại phụ lục hợp đồng với nhà đầu tư và thanh toán hợp đồng.

TP.HCM cũng đề xuất Thủ tướng có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước để tái cấp vốn và gia hạn thời gian tái cấp vốn, giúp BIDV tiếp tục cho vay với lãi suất ưu đãi. Đồng thời, TP sẽ cơ cấu lại kế hoạch trả nợ.

Dự án chống ngập 10.000 tỷ: Thủ tướng yêu cầu loại bỏ toàn bộ chi phí bất hợp lý- Ảnh 2.

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi.

Lãnh đạo UBND TP.HCM cho rằng, việc thanh toán được chia làm hai nguồn: từ quỹ đất và từ kế hoạch đầu tư công trung hạn. Trong năm 2024, Thành phố đã bố trí 6.800 tỷ đồng cho dự án nhưng khó có thể giải ngân trong năm nay.

TP.HCM xác định ba vị trí quỹ đất để thanh toán dự án, gồm hai khu đất thực hiện theo Luật Đất đai và một khu đất công theo Nghị quyết 98. TP cũng đã xin ý kiến Thủ tướng về việc sử dụng quỹ đất này để thanh toán trước, phần còn lại sẽ thanh toán bằng tiền.

Hiện tại, dự án đã hoàn thành 90% khối lượng, trong đó hơn 3.000 tỷ đồng đã được kiểm toán. TP.HCM kiến nghị Thủ tướng cho phép thanh toán khối lượng đã kiểm toán để nhà đầu tư có kinh phí hoàn thành phần còn lại (khoảng 1.800 tỷ đồng), đồng thời trả nợ BIDV để giảm lãi suất.

Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/du-an-chong-ngap-10000-ty-thu-tuong-yeu-cau-loai-bo-toan-bo-chi-phi-bat-hop-ly-a106772.html