Quy định dạy thêm có kẽ hở, 'mở toang cửa' cho giáo viên dạy thêm cấp tiểu học

TPO - Dự thảo Thông tư Quy định dạy thêm học thêm của Bộ GD&ĐT quy định nội dung không dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày được cho là chưa chặt chẽ, tạo điều kiện cho giáo viên tiểu học dạy thêm ngoài nhà trường.

Thông tư 17/2012 của Bộ GD&ĐT nêu rõ: “Không dạy thêm đối với bậc tiểu học” nhưng trên thực tế nhiều năm qua,

Nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn đối với dạy thêm ở bậc tiểu học.

Dù không có nhu cầu cho con luyện thi vào lớp 6 các trường THCS chất lượng cao nhưng khi thấy đa số phụ huynh trong lớp đều đăng ký cho con học Tiếng Việt, Toán tuần 2 buổi do giáo viên chủ nhiệm đứng lớp, chị Dương cũng đành tặc lưỡi đăng ký. Và rồi cứ kết thúc giờ học trên lớp, vào thứ 4, thứ 6 hằng tuần, giáo viên lại đưa học sinh ra phòng học gần trường để dạy thêm tuần 2 buổi, mỗi buổi 1,5 giờ. Trong 2 con, có một bé phải đi học cả sáng thứ 7 buộc gia đình phải đưa đón rất mất thời gian.

“Tôi cho rằng, ở bậc tiểu học, các con đã học ngày 2 buổi, không cần thiết phải đi học thêm vừa tốn kém tiền bạc, lãng phí thời gian, sức lực của con lẫn bố mẹ”, chị Nguyễn Thùy Dương ở quận Đống Đa (Hà Nội) nói.

Anh Ngọc Dương, ở quận Hà Đông (Hà Nội) ấm ức kể lại câu chuyện cách đây vài năm, con gái mới chỉ học lớp 2 nhưng đã bị giáo viên ép đi học thêm đến mức anh phải chuyển trường cho con. Mỗi lần đi đón con, hễ gặp cô giáo, anh Dương thường bị gọi lại để than phiền rằng, con học kém, mất gốc và đề nghị đi học thêm ở lớp do cô giảng dạy. Không muốn con phải dành quá nhiều thời gian học các môn văn hóa nên anh Dương phớt lờ lời cô giáo. Tuy nhiên, sau đó giáo viên tiếp tục gia tăng sức ép nên gia đình quyết định chuyển con sang trường tư. Ở môi trường học tập mới, con được tham gia các hoạt động rất tự tin, giáo viên không than phiền hay yêu cầu đi học thêm.

“Học thêm là cần thiết đối với một số người hoặc một thời điểm, giai đoạn nào đó nhất định, không nên học thêm ở bậc tiểu học. Tôi mong, trường học tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh được vui chơi, rèn luyện thể thao thay vì đi học thêm”, anh Dương nói.

"Mở toang cửa" cho dạy thêm?

Trong dự thảo về Thông tư quy định dạy thêm học thêm được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến mới đây có nhiều điểm mới, trong đó đáng chú ý là bỏ cụm từ: “Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học” thay vào đó đưa nội dung: “Không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày”.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Xuân Thành từng lý giải, vì đã có nội dung những trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày không được tổ chức dạy thêm, học thêm nên không cần thiết đưa thêm quy định không dạy thêm ở bậc tiểu học vào nữa. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quy định chỉ yêu cầu “Không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường…” như vậy là không chặt chẽ, tạo kẽ hở cho giáo viên kéo học sinh ra ngoài dạy thêm.

“Rõ ràng, quy định chỉ cấm dạy thêm trong trường đối với trường hợp đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Như vậy, giáo viên tổ chức dạy thêm ở ngoài là không sai và điều này có thể khiến cho tình trạng dạy thêm ở bậc tiểu học thêm trầm trọng, vắt kiệt sức lực học sinh”, một phụ huynh nói.

Bà Nguyễn Thị Ngân Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Giang, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, Thông tư hiện hành quy định không cho phép giáo viên tiểu học dạy thêm do đó, nhà trường có phương án quản lý bằng cách thường xuyên thông báo quy định, yêu cầu giáo viên phải chấp hành. Nhà trường cũng phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra thực tế tuy nhiên chủ yếu giáo viên phải nhận thức được quy định để thực hiện.

Cũng theo bà Bình, ở bậc tiểu học, chương trình GDPT 2018 hiện nay thiết kế dạy học 2 buổi/ngày đảm bảo kiến thức, kỹ năng nên học sinh không cần thiết phải đi học thêm.

Góp ý cho dự thảo của Bộ GD&ĐT, các chuyên gia giáo dục cũng nói, Bộ nên có quy định cụ thể, chặt chẽ, làm cơ sở khi triển khai phù hợp với thực tế đối với học sinh tiểu học đã học 2 buổi/ngày, giáo viên không dạy thêm đối với học sinh nhỏ tuổi. Nếu chỉ cấm dạy thêm trong trường, giáo viên có thể công khai kéo học sinh dạy thêm ngoài nhà trường sẽ để lại nhiều hệ lụy cho học sinh và xã hội.

Cho rằng học thêm dạy thêm là xuất phát từ nhu cầu thực tiễn nên khó cấm cản, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vạn Bảo, quận Hà Đông (Hà Nội) Trần Thị Hương nói, một số phụ huynh vì bận công việc nên tìm mọi cách gửi cô giáo kèm cặp, trông hộ tuy nhiên cũng từ đó nảy sinh không ít tình huống gây khó khăn cho phụ huynh. Bà Hương khuyên phụ huynh, dành thời gian quan tâm, đồng hành quan tâm tình hình học tập của con và không nên cho đi học thêm sớm, trừ những em có nhu cầu nâng cao năng lực ngoại ngữ.

Học sinh luôn mong muốn được học theo đúng năng lực và nhu cầu (ảnh chỉ mang tỉnh minh hoạ). Ảnh: NGHIÊM HUÊ
Cấm dạy thêm, học thêm và những biến tướng - Bài 1: Nghịch lí dạy thêm
Dạy thêm, học thêm ở Mỹ
Dạy thêm, học thêm ở Mỹ

Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/quy-dinh-day-them-co-ke-ho-mo-toang-cua-cho-giao-vien-day-them-cap-tieu-hoc-a105739.html