Bình Định: Ghi nhận ca bệnh thứ 2 tử vong do cúm A/H1pdm

Ca bệnh này khởi phát bệnh với nhiều triệu chứng như sốt cao, ho, đau tức ngực…

Ngày 15/11, Sở Y tế tỉnh Bình Định đã có báo cáo UBND tỉnh về tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh trong tuần qua, trong đó ghi nhận một bệnh nhân tử vong do nhiễm cúm A/H1pdm. Đây là là ca bệnh thứ 2 tử vong do nhiễm cúm A/H1pdm xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Định từ tháng 10/2024 đến nay.

Bệnh nhân N.N.T. (59 tuổi, ở thôn 8, xã Mỹ Thắng, huyện Phủ Mỹ). Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, ông T. khởi phát bệnh từ ngày 28/10, với triệu chứng sốt cao, ho, khạc đờm vàng, đau tức ngực, đau đầu, nhức mỏi toàn thân, được người nhà đưa đến phòng khám tư xét nghiệm và tự mua thuốc điều trị tại nhà (không rõ loại thuốc).

Qua 6 ngày dùng thuốc bệnh không thuyên giảm, người nhà đưa ông vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định khám và nhập viện điều trị ngày 2/11/2024.

Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, bệnh nhân được nhập viện vào Khoa Nội Tổng hợp, với các triệu chứng: sốt cao, ho, khó thở, khạc đờm, tức ngực, được chẩn đoán viêm phổi, tác nhân không đặc hiệu.

Sau 3 ngày điều trị tích cực, bệnh tiến triển nặng, thở gắng sức, khó thở, co kéo cơ hô hấp phụ, nên được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc.

Lúc này, bệnh nhân trong tình trạng lơ mơ, tím môi, khó thở nhiều, thở gắng sức, viêm đông đặc vùng dưới 2 phổi...

Sau điều trị tích cực, bệnh nhân trong tình trạng nặng. Đến 1h ngày 7/11, bệnh nhân rơi vào hôn mê sâu, sốt cao liên tục, phổi thông khí kém, ran ẩm, ran nổ 2 phế trường; gia đình xin về và bệnh nhân tử vong tại nhà tối cùng ngày.

Sau đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - CDC Bình Định lấy mẫu phẩm bệnh nhân gửi Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm xác định; kết quả dương tính với cúm A/H1pdm. Kết luận bệnh nhân tử vong do nhiễm cúm A/H1pdm, viêm phổi nặng biến chứng suy hô hấp - phù phổi cấp.

Ngay sau đó, CDC Bình Định cùng với y tế cơ sở đã tiến hành điều tra tại cộng đồng, lập danh sách những người tiếp xúc gần với bệnh nhân, theo dõi sức khỏe để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ. Đồng thời, xử lý môi trường, vật dụng liên quan đến bệnh nhân.

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bình Định, đến nay trên địa bàn tỉnh ghi nhận 15 ca mắc bệnh viêm phổi nặng do vi rút (trong đó có 4 ca dương tính với cúm A/H1pdm, 1 ca dương tính với cúm B, 2 ca chưa có kết quả xét nghiệm); 2 ca tử vong dương tính với cúm A/H1pdm (trong đó 1 ca ở huyện Vĩnh Thạnh và 1 ca ở huyện Phù Mỹ).

Hiện, Sở Y tế tỉnh Bình Định tiếp tục chỉ đạo CDC Bình Định, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh sởi, đường hô hấp, dịch bệnh mùa thu đông, sốt xuất huyết, cúm, tay - chân - miệng, sởi, bạch hầu, dại và các bệnh truyền nhiễm khác.

Triển khai các biện pháp xử lý phòng chống sốt xuất huyết, phòng chống bệnh tay - chân - miệng, Viêm gan vi rút, cúm A; phòng chống dịch cúm lây truyền từ gia cầm sang người; phòng, chống dịch bệnh Mác-bớc (Marburg); tiếp tục tăng cường việc rà soát tổ chức tiêm bù, tiêm vét các loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và triển khai xử lý các ổ dịch sốt xuất huyết theo quy định.

Như Người Đưa Tin thông tin, trước đó, trên địa bàn tỉnh Bình Định ghi nhận trường hợp một tử vong do nhiễm cúm A/H1pdm là ông Trần Văn T. (51 tuổi, trú thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định).

Theo ghi nhận, ông T. khởi phát từ ngày 12/10/2024 với triệu chứng sốt cao, đau đầu, nhức mỏi toàn thân, ho nhiều, khò khè người nhà tự mua thuốc điều trị tại nhà (không rõ loại thuốc) nhưng bệnh không thuyên giảm. Ngày 17/10/2024, bệnh nhân vào Khoa Cấp cứu -Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định với chẩn đoán: viêm phổi do virus, chưa được phân loại nơi khác. Đến 18h ngày 17/10/2024, bệnh nhân hôn mê sâu, thở theo máy hoàn toàn. Da nổi vân tím, phổi ít ran ẩm nổ 2 bên. Nhịp tim xu hướng chậm dần, huyết áp không đo được. Người nhà xin đưa bệnh nhân về nhà, sau đó bệnh nhân tử vong.

Nghi ngờ bệnh nhân nhiễm cúm A, ngày 17/10/2024, CDC Bình Định đã điều tra ca viêm phổi nặng nghi do vi rút, lấy mẫu bệnh phẩm và gửi Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm xác định. Kết quả, ông Trần Văn T. dương tính với Cúm A/H1pdm.

Bệnh nhân tử vong do nhiễm cúm A/H1pdm tại Bình Định: Sở Y tế khuyến cáo về phòng, chống bệnh cúmBệnh nhân tử vong do nhiễm cúm A/H1pdm tại Bình Định: Sở Y tế khuyến cáo về phòng, chống bệnh cúm

Ông Lê Quang Hùng - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định - cho biết, cúm chủng A/H1pdm là chủng cúm mùa thông thường, chủ yếu mắc phải ở nhóm người già, trẻ em. Chủng cúm này có thể điều trị bằng thuốc kháng virus, hoặc tiêm phòng vắc xin.

Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/binh-dinh-ghi-nhan-ca-benh-thu-2-tu-vong-do-cum-ah1pdm-a103450.html