Xã Tân Hương, huyện Tân Kỳ là một trong những "thủ phủ "mật mía lớn và nổi tiếng ở Nghệ An. Nghề làm mật ở đây không biết có từ bao giờ nhưng đã tạo được thương hiệu riêng.
Tiếng máy nổ nghiền, ép mật hòa trong tiếng cười nói của những người thợ rộn ràng cả một vùng quê. Nhiều xã quanh vùng đang rầm rộ thu hoạch mía để làm nguyên liệu cho làng Tân Hương.
Những ngày này, làng Tân Hương đang tất bật đỏ lửa nấu mật để phục vụ thị trường tiêu dùng dịp Tết.
Người làng kể, mươi năm trước phần lớn sử dụng sức trâu để ép mía, nhưng sau này, người dân đã đầu tư máy ép bằng điện cho năng suất cao hơn.
Khi tiết trời heo may, mía bắt đầu thu hoạch thì mùa ép mật bắt đầu, kéo dài từ tháng 11 âm lịch đến tháng 2 năm sau. Ông Nguyễn Xuân Đức - chủ lò nấu mật ở xã Tân Hương chia sẻ, để chất lượng mật đảm bảo, mía sau khi thu hoạch phải được ép ngay trong ngày.
Ông Nguyễn Văn Trường - người có kinh nghiệm lâu năm cho biết, việc đảm bảo mật vừa sáng, vừa thơm ngon, đạt tiêu chuẩn vệ sinh thì chỉ những người trong nghề mới nắm rõ. Để kiểm tra mật có chất lượng hay không thì hiện vẫn chưa có thiết bị đo lường chất lượng mà tất cả bằng thủ công.
Khi nước mía được đun sôi, người dân sẽ sử dụng vợt có lưới bằng vải màn để vớt bọt, tạp chất. Khi mật sôi, nếu không kịp vớt váng bọt, làm mật bị trào sẽ có màu đen, kém thơm ngon.
Lửa rừng rực. Chảo mật sôi ùng ục. Người dân làng nghề, đang tranh thủ từng giờ từng phút, chạy đua với thời gian để ép mía, nấu mật.
Những mẻ mật mía vàng óng, sánh mịn.
Cũng theo ông Trường, sau khi ép mía là công đoạn chuẩn bị lò, củi để nấu. Quan trọng nhất là giữ lửa lò luôn ổn định. Nếu lửa quá to, tay đảo không đều mật dễ bị cháy. Nếu lửa quá nhỏ thì công đoạn kéo mật sẽ rất lâu.
"Người nấu phải luôn đảo liên tục sao cho thật đều tay. Khi nồi bắt đầu sôi, nếu không vớt kịp bọt, để bị trào thì mật sẽ có màu đen, kém thơm ngon. Khi nào thấy nước mía chuyển sang sền sệt và có màu đỏ là được. Khi đó cho nồi xuống, múc mật đổ vào chậu hoặc thùng cho tản bớt nhiệt rồi đóng thành can nhựa hoặc vào chai"- ông Trường nói.
Từ đầu vụ đến nay, gia đình chị Nguyễn Thị Lan - Trú xóm Châu Nam, xã Tân Hương, đã ép được 110 tấn mía, cho ra sản phẩm 8.000 lít mật. Mật ở đây được nhiều người ưa chuộng với hương vị thơm ngon, cùng độ sánh mịn đặc trưng, làm đến đâu bán hết đến đó.
Với người dân miền Trung, đặc biệt là ở Nghệ An, mật mía không thể thiếu trong những ngày Tết Nguyên đán. Sản phẩm thường được dùng để nấu món chè tiễn ông Táo về trời, để chấm bánh chưng hay làm bánh gai, bánh ngào, kho cá…
Ông Lê Đức Thuyên - Chủ tịch UBND xã Tân Hương cho biết, "Hiện xã có gần 30 hộ chuyên nấu mật, sản lượng đạt khoảng 225.000 lít/năm. Dịp cuối năm, nhu cầu sử dụng tăng cao nên sản phẩm tiêu thụ mạnh. Sản phẩm mật mía Tân Hương đã đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh".
Làng nghề truyền thống ở Nghệ An 'chạy đua' vào vụ Tết
SKĐS - Những ngày này, các làng làm nghề truyền thống trên địa bàn ở thị xã Cửa Lò, Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) tất bật đẩy nhanh tiến độ sản xuất các mặt hàng để phục vụ thị trường Tết Giáp Thìn 2024.