Thực trạng rác thải rắn tại TP.HCM và các giải pháp quản lý, xử lý theo hướng phát triển bền vững

Ngày 31/10, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã tổ chức hội thảo “Thực trạng về rác thải rắn tại TPHCM, các giải pháp về công tác quản lý và xử lý theo hướng phát triển bền vững”.

Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Tp. HCM

Tại buổi hội thảo, có sự tham dự của PGS.TS. Nguyễn Tất Toàn – Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm, Chủ tịch Hội đồng Hiệu trưởng khối ngành Khoa học sự sống và môi trường; PGS.TS. Trần Lê Quan - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa Học Tự Nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM; TS. Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh; PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Thiền - Chủ tịch HĐQT Công ty CP - Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương (BIWASE); TS. Nguyễn Điền Châu - Trường Đại học Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh; TS. Trần Đức Hùng, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc Hóa học và Môi trường; Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo; cùng Quý đại biểu đến từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp.

Về phía Nhà trường có sự tham gia của PGS.TS Vũ Xuân Cường – Chủ tịch Hội đồng Trường; PGS.TS Huỳnh Quyền - Hiệu trưởng, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo; PGS.TS. Lê Hoàng Nghiêm – Phó Hiệu trưởng, Phó Trưởng BTC; cùng các giảng viên và học viên, sinh viên Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh.

ô

Tại đây, ông Tống Viết Thành, Phó phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, hiện nay, mỗi ngày trên địa bàn TPHCM thải ra khoảng 13 ngàn tấn chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH). Trong đó, chất thải có khả năng tái chế khoảng 3 ngàn tấn/ngày (chiếm 23% tổng CTRSH phát sinh hằng ngày). Khối lượng còn lại khoảng 10 ngàn tấn được thu thu gom vận chuyển về các nhà máy xử lý rác của Thành phố. Từ năm 2007 đến nay, khối lượng CTRSH phát sinh ngày càng tăng, với tốc độ trung bình khoảng 5,6%/năm.

Ông Thành cho biết thêm, từ năm 2002, TPHCM đã đóng cửa các bãi chôn lấp rác không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường (bãi Đông Thạnh). Đến nay CTRSH chủ yếu được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh hoặc đốt.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM, Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM, đang tham mưu UBND TP HCM đề án phân loại rác tại nguồn, phục vụ cho hoạt động tái chế. Để làm được điều nay, TP HCM cần có hạ tầng kỹ thuật và công nghệ. Tuy nhiên, Thành phố hiện chưa có quy hoạch lĩnh vực tái chế rác thải và phát triển công nghiệp tái chế. Bà Mỹ cho rằng, cần lập quy hoạch cấp độ vùng, khu vực chứ không thể giải quyết cấp độ địa phương, do TP HCM không còn quỹ đất cho quy hoạch tái chế rác. Các địa phương lân cận như Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu... có thể phối hợp cùng TPHCM để thực hiện đề án này. Hiện thành phố phối hợp với tỉnh Long An chuẩn bị khoảng 200 ha tại Khu liên hiệp xử lý rác ở Thủ Thừa phục vụ xử lý rác, trong đó bao gồm việc di dời các nhà máy tái chế chất thải vào khu vực này.

Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Tp. HCM

Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT công ty nước và môi trường Bình Dương (BIWASE), cho biết, hiện các doanh nghiệp tại Bình Dương chủ yếu thực hiện phương thức ủ phân compost và đốt rác phát điện. Theo ông Thiền, cần ưu tiên tái chế rác thành phân hữu cơ để phục vụ nông nghiệp, hạn chế chôn lấp để tránh lãng phí nguồn tài nguyên. Mặc dù sản xuất phân hữu cơ từ rác tốn kém hơn lấy từ bùn, than bùn, nhưng việc khai thác bùn, than bùn để làm phân lại phá vỡ môi trường tự nhiên, không bền vững.

Ông Thiền cho biết thêm, tại Bình Dương, rác hữu cơ cơ bản được tái chế thành phân compost đạt tiêu chuẩn. Phần rác không làm phân được đốt tại lò đốt phát điện. Tro xỉ sau đốt chỉ khoảng 11% và được tái chế thành vật liệu xây dựng xanh, không còn chất thải nào phải chôn lấp.

Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Tp. HCM

PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, thì cho rằng, cần tập trung nghiên cứu, triển khai công nghệ tái chế phế liệu nhựa PS (xốp) để sản xuất bê tông nhẹ làm trần nhà, tấm ngăn cách âm; đồng thời tái chế phế liệu nhựa PP, PE,… để sản xuất bê tông cốt sợi làm các cấu kiện kè bờ, chống sạt lở, cột hàng rào, cọc trồng thanh long, hồ tiêu, làm đường giao thông nông thôn, tấm pallet, vách ngăn,…

Cũng trong cùng ngày, trong không khí làm việc nghiêm túc của buổi hội thảo, Tại hội trường A cũng đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Hành động Quốc gia Khắc phục Hậu quả Chất độc Hóa học và Môi trường. Sự kiện này không chỉ đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc mở rộng quan hệ hợp tác, mà còn khẳng định cam kết chung trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và hỗ trợ các hoạt động thực tiễn.

Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Tp. HCM

Phần cuối chương trình hội thảo là phiên trao đổi và thảo luận. Các câu hỏi đặt ra rất sôi nổi và được các chuyên gia, nhà khoa học giải đáp một cách đầy đủ và xoáy sâu vào các vấn đề đang được đặc biệt quan tâm. Những nội dung này đã mở ra cơ hội để trao đổi về các chính sách quản lý, tìm kiếm những phương pháp tối ưu và các giải pháp thực tiễn, góp phần cải thiện công tác quản lý và xử lý chất thải trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước.

H,An

Link nội dung: https://doanhnhanvatieudung.com/thuc-trang-rac-thai-ran-tai-tphcm-va-cac-giai-phap-quan-ly-xu-ly-theo-huong-phat-trien-ben-vung-a102619.html