Gia Lai rà soát xây dựng trường học cho 7 xã biên giới

Admin

20/07/2025 00:30

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các sở ngành và đại diện 7 xã biên giới phía Tây tỉnh rà soát, đầu tư xây dựng hệ thống trường học phục vụ học sinh vùng biên giới.

Chiều 19/7, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành và đại diện 7 xã biên giới phía Tây nhằm rà soát, đầu tư xây dựng hệ thống trường học phục vụ học sinh vùng biên giới. Buổi làm việc diễn ra ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành thông báo thống nhất chủ trương xây dựng các trường phổ thông nội trú liên cấp cho 248 xã biên giới đất liền trên toàn quốc.

Gia Lai: Rà soát triển khai xây dựng trường học cho 7 xã biên giới- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Anh Tuấn chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với các xã biên giới thuộc khu vực tỉnh Gia Lai cũ. Ảnh:TL

Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho hay, tỉnh hiện có 7 xã biên giới tiếp giáp với Campuchia gồm: Ia Púch, Ia Mơ, Ia O, Ia Chía, Ia Pnôn, Ia Nan và Ia Dom. Trên địa bàn các xã này có 7 trường mầm non và mẫu giáo, 6 trường tiểu học, 4 trường trung học cơ sở, 3 trường tiểu học và trung học cơ sở cùng 1 trường trung học phổ thông. Tuy nhiên, đa số các trường không có chức năng nội trú hay bán trú.

Theo bà Lịch, cơ sở vật chất các trường còn nhiều hạn chế. Hiện tại, các trường không có nhà ở dành cho học sinh, chỉ có phòng ở cho giáo viên; phòng ở của giáo viên chủ yếu là các phòng cũ được trưng dụng lại, một số phòng đã xuống cấp, hư hỏng.

Toàn tỉnh có hơn 10.300 học sinh tại các xã biên giới, trong đó nhu cầu học nội trú, bán trú lên tới 7.134 em. Theo đánh giá của các địa phương, mô hình trường phổ thông bán trú phù hợp với đặc thù của vùng biên giới. Đa số học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, ban ngày cha mẹ đi làm rẫy nên có nhu cầu cho con bán trú, ăn trưa tại trường. Ngoài ra, con em người Kinh có cha mẹ làm việc tại các nông lâm trường cũng có nhu cầu học bán trú tương tự.

Tại buổi làm việc, sau khi nghe báo cáo cụ thể về thực trạng cơ sở vật chất của trường lớp tại các xã biên giới, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Anh Tuấn cho biết, Trung ương dự kiến đầu tư 150 tỷ đồng cho mỗi xã biên giới để thực hiện xây dựng trường học, nhà ở công vụ và trụ sở các cơ quan.

"Đây công việc cấp bách, cần triển khai sớm để học sinh có thể hưởng lợi từ cơ sở vật chất và trường lớp mới ngay từ năm học 2026", ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai giao các xã nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch toàn bộ vùng lõi, bao gồm các khu chức năng. Đồng thời tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng các trường học để có phương án đầu tư, mở rộng phù hợp, đảm bảo cơ sở vật chất.

Ngoài khu phòng học, các địa phương cần quy hoạch khu vui chơi, khu bán trú cho học sinh và nhà công vụ cho giáo viên. Việc lựa chọn địa điểm quy hoạch phải đảm bảo an toàn, phòng tránh các rủi ro thiên tai như sạt lở, lũ quét.

"Các sở, ngành liên quan và 7 xã khẩn trương thực hiện, báo cáo điều chỉnh quy hoạch cục bộ trước ngày 15/8 để trình tỉnh xem xét. Quan điểm của tỉnh triển khai là các trường học phải đạt chuẩn quốc gia, có chức năng bán trú để học sinh học cả ngày, ở lại ăn trưa miễn phí tại trường", ông Tuấn nói.

Gia Lai: Rà soát triển khai xây dựng trường học cho 7 xã biên giới- Ảnh 2.Gian nan "giữ" chữ nơi biên giới Gia Lai

Thiếu phòng học, lớp học ghép chật chội, cơ sở vật chất xuống cấp, nhưng nhiều năm qua, thầy cô Trường tiểu học Cù Chính Lan vẫn kiên trì bám lớp, duy trì việc dạy học giữa bao khó khăn nơi vùng biên.

Bạn đang đọc bài viết "Gia Lai rà soát xây dựng trường học cho 7 xã biên giới" tại chuyên mục Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).